Cải cách hành chính mạnh mẽ để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng

Sáng 6/1, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ đã diễn ra cuộc họp bàn về giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp còn có ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT); đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Về phía EVN có Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận EVN đã có những cải cách mạnh mẽ trong thời gian qua

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhận định, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ điện và có sự cải thiện ngoạn mục đối với chỉ số tiếp cận điện năng.

Theo đánh giá của WB, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã nâng hạng từ vị trí 156 lên vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế.

Tiếp đà cải cách, năm 2019, khi khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), EVN đã tích hợp, kết nối, đưa 3 dịch vụ: Cấp điện mới từ lưới hạ áp, cấp điện mới từ lưới trung áp và thanh toán tiền điện lên Cổng DVCQG. Tới ngày 24/12/2019, toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 của EVN đã kết nối xong với Cổng DVCQG.

Chỉ số tiếp cận điện năng qua đánh giá của WB

Nhấn mạnh tính chất quan trọng của việc tiếp cận điện năng đối với người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan cùng với EVN thực hiện cải cách để tạo nên những thay đổi thực sự có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – VPCP đã trình bày một số kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ GTVT để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng. Trong đó, tập trung giảm lược số thủ tục và số giấy tờ hành chính, rút ngắn thời gian trong quá trình giải quyết yêu cầu tiếp cận điện năng của khách hàng sử dụng điện.

Cụ thể, cần sửa đổi Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 và Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công Thương; xem xét sửa đổi Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT.

Với EVN, cần chủ trì, phối hợp với VNPT, VPCP, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, UBND các tỉnh/thành phố sớm xây dựng và triển khai phần mềm thực hiện liên thông một cửa qua Cổng DVCQG đối với thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN mong muốn nhận được sự  hỗ trợ, tạo điều kiện từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương trong cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, với các giải pháp của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - VPCP đã trình bày, nếu được triển khai và ghi nhận sẽ góp phần giảm 01 thủ tục tiếp cận điện năng (hiện nay số thủ tục là 4); và giảm thời gian triển khai cấp điện trung áp.

Đối với EVN, để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, thời gian tới, Tập đoàn sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu lưới trung thế, hạ thế, áp dụng GIS, ứng dụng CNTT theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương, Bộ GTVT, CIEM cũng trình bày ý kiến ủng hộ việc thực hiện các cải cách, qua đó, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ GTVT cần xem xét sửa đổi các thông tư liên quan theo kiến nghị của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – VPCP, với mục tiêu tích hợp/giảm số thủ tục, giảm giấy tờ hành chính tại mỗi thủ tục. Đồng thời, đưa mục tiêu giảm số thời gian thực hiện tiếp cận điện năng.

Bộ trưởng cũng đề nghị WB - Tổ chức Doing Business cần khảo sát, tiếp tục ghi nhận  những nỗ lực cải cách của Chính phủ, bộ, ban ngành, doanh nghiệp Việt Nam đối với các chỉ số môi trường kinh doanh.

Nhấn mạnh EVN đã thực hiện tốt các cải cách trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Chính phủ yêu cầu EVN cần tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột trong việc đổi mới, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng. Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cần là "đầu tàu" cải cách cho ngành Điện. 


  • 06/01/2020 04:32
  • Nguyên Hương
  • 6617