Cần luật hoá chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện

Tại toạ đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, nhiều ý kiến khẳng định, các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), điều chỉnh phụ tải điện (DR) được xác định là giải pháp sử dụng điện hiệu quả đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngành Điện. Tuy nhiên, để việc triển khai các chương trình này đạt được hiệu quả tốt hơn, vẫn cần các quy định, chính sách cũng như cơ chế cụ thể hơn.

Hiện nay, với sự vận động, kêu gọi của các công ty điện lực, rất nhiều doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực sau khi tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, bằng nhiều giải pháp cụ thể được triển khai sâu rộng trong doanh nghiệp và người dân, hiện toàn thành phố đã có hơn 1.700 doanh nghiệp sử dụng điện trên 1 triệu kWh/năm đã ký cam kết tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải, trong đó có 1.357 doanh nghiệp sản xuất đăng ký tham gia thêm chương trình điều chỉnh phụ tải. Kết quả sơ bộ, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện và tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

EVN và các đơn vị thành viên tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phủ tải điện

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tham gia các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện vẫn đang dừng ở tính chất khuyến khích, vận động. 

Chia sẻ về vấn đề này tại buổi toạ đàm, theo ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, để triển khai thành công hơn nữa các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung và tiết kiệm điện nói riêng thì ngoài các giải pháp về nâng cao nhận thức thì cần luật hóa các cơ chế liên quan đến vấn đề quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.  

Trước đây, trong Luật Điện lực có nhắc đến quản lý nhu cầu điện, tuy nhiên chưa có quy định, chính sách, cơ chế được cụ thể hoá. Do đó, hiện nay các chương trình này chủ yếu được triển khai thực hiện theo hình thức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia cùng ngành Điện. Nếu các chương trình quản lý nhu cầu điện và DR được áp dụng các cơ chế với quy định thưởng, phạt rõ ràng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong quá trình thực hiện.

“Hiện nay Bộ Công Thương đang đề xuất với Quốc hội điều chỉnh lại Luật Điện lực, tôi cho rằng, đây là thời điểm chúng ta nên luật hóa các chương trình quản lý nhu cầu điện, DR với những hướng dẫn chi tiết hơn, từ đó triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới”, chuyên gia Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, cơ chế điều chỉnh phụ tải điện là vấn đề quan trọng mà Bộ Công Thương rất quan tâm và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu phụ tải điện, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải điện.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty điện lực thực hiện việc thỏa thuận với các khách hàng sử dụng điện lớn về dịch chuyển công suất đỉnh của phụ tải điện ra khỏi giờ cao điểm của hệ thống, thỏa thuận về cắt giảm công suất đỉnh tại các thời điểm hệ thống có nguy cơ thiếu điện. 

Tuy nhiên, ông Trịnh Quốc Vũ nhận định, hiện nay việc quản lý nhu cầu phụ tải đang thiếu chế tài. “Trong Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới, những cơ chế về chế tài áp dụng, cũng như cơ chế khuyến khích cho các khách hàng đồng hành với các chương trình tiết kiệm điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải cần được quan tâm, xây dựng đầy đủ. Chúng ta vừa phải có cơ chế khuyến khích, vừa có chế tài xử phạt những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật”, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ thêm.

Điều chỉnh phụ tải điện, điều chỉnh công suất tiêu thụ điện góp phần giảm công suất vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện quá tải và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Với chương trình này, khách hàng được hưởng các ưu đãi như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện, tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả... Giải pháp này cũng giúp ngành Điện cân bằng cung cầu, mang lại hiệu quả kinh tế cho hệ thống điện, đồng thời giúp tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao độ tin cậy, chất lượng cung cấp điện, tối ưu hóa cân bằng cung cầu.