Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra ngày 3/8 - Nguồn ảnh: VGP
|
Tại buổi họp báo, trước câu hỏi của báo chí về việc nhận chìm 1 triệu m3 chất nạo vét để xây dựng cảng than, phục vụ các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Đây là cơ hội tôi chính thức trả lời, bảo đảm thông tin chính xác khoa học nhất.
Bộ trưởng cho biết: Nhiều người nhầm lẫn vật chất nạo vét từ khu vực này là chất thải. Hiện nay Luật biển quốc tế, Công ước Luân Đôn về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác khuyến cáo, các chất nạo vét từ biển là tài nguyên và xem xét tái sử dụng tài nguyên này.
Về vấn đề cấp phép, Bộ TN&MT căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Bộ đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Luật Tài nguyên môi trường biển, Bộ xem xét việc nhận chìm này đảm bảo theo Luật biển quốc tế, đặc biệt bảo đảm tác động từ hoạt động này với biển, tài nguyên môi trường biển.
Trước đó, các hoạt động nhận chìm các vật, chất nạo vét ở biển vẫn diễn ra như quá trình xây dựng cảng Cái Lân, xây cảng Lạch Huyện và có tính toán đánh giá tác động đến môi trường.
“Quan điểm của Chính phủ, Bộ TN&MT trước tiên là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng quan điểm nữa là trung tâm nhiệt điện đã quy hoạch từ năm 2007, môi trường cũng phải hài hoà với phát triển, để bảo đảm thực hiện quy hoạch bền vững”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hiện có 22 nhà khoa học thuộc Bộ trong Hội đồng đánh giá tác động của môi trường dự án, gồm các nhà khoa học đầu ngành các lĩnh vực, không nhà khoa học nào mạo danh.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang đánh giá cơ sở khoa học toàn diện dự án, còn Bộ TN&MT đang triển khai đánh giá mô hình mô phỏng, dự báo đánh giá lan truyền mặt tầng đáy, hướng gió, thuỷ triều…