Ông Dương Quang Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN
|
PV: Thưa ông, năm 2017, EVN đã “cán đích” với những thành tích ấn tượng. Để đạt được những kết quả này, Tập đoàn và các đơn vị đã vượt qua những khó khăn, thách thức như thế nào?
Ông Dương Quang Thành: Năm 2017, thời tiết có những biến động bất thường. Bão lớn và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện. Ước tính, tổng giá trị thiệt hại của ngành Điện lên tới hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí đầu vào cho sản xuất điện cũng liên tục gia tăng như, biến động tỷ giá, giá than, giá khí, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng... Cùng với đó, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp không ít khó khăn do chủ trương của Chính phủ hạn chế bảo lãnh vay vốn.
Trong tình hình đó, Tập đoàn đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho Tập đoàn. Đặc biệt, sự cố gắng, vượt khó của CBCNV và người lao động toàn Tập đoàn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp EVN đạt nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất – kinh doanh.
Năm 2017, sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của Tập đoàn đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6%; điện thương phẩm nội địa đạt 173,1 tỷ kWh, tăng 9,16% so với năm 2016. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành ổn định, an toàn; công suất các nguồn điện đưa vào vận hành vượt kế hoạch đề ra, nhiều công trình lưới điện trọng điểm cấp điện cho TP Hà Nội và các tỉnh, thành, các phụ tải lớn đã được hoàn thành. EVN tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ đời sống của nhân dân.
PV: Ông có thể cho biết những kết quả chính mà EVN “gặt hái” được khi triển khai chủ đề năm 2017 “Đẩy mạnh Khoa học Công Nghệ”?
Ông Dương Quang Thành: Với chủ đề này, năm 2017, Tập đoàn đã tổ chức triển khai sâu rộng đến tất cả các đơn vị thành viên và đã thu được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là trong quản trị doanh nghiệp, vận hành hệ thống điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng... EVN đã hoàn thành sửa đổi và ban hành Quy chế Hoạt động KHCN, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường nguồn lực và thiết lập mạng lưới cán bộ hoạt động KHCN tại Tập đoàn và các đơn vị.
Về quản trị điều hành, Tập đoàn đã triển khai Hệ thống quản lý tài chính vật tư (ERP) từ Tập đoàn đến đơn vị cấp 3 và đang triển khai hệ thống ERP tới các đơn vị cấp 4; hoàn thành nâng cấp và đưa hệ thống E-Office 3.0 vào ứng dụng trong các đơn vị, tích hợp chữ ký điện tử, bổ sung thêm nhiều chức năng và có thể sử dụng trên các thiết bị di động, trở thành công cụ đắc lực trong điều hành, quản trị doanh nghiệp, từng bước hoàn thiện các giải pháp phát triển lưới điện thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ sửa chữa không cắt điện...
Như vậy, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng năm 2017 của Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng cũng như nâng cao mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện.
PV: Nhiều ý kiến chuyên gia, khách hàng cho rằng EVN đã “ghi điểm đặc biệt” khi chỉ số tiếp cận điện năng được tổ chức Doing Business của Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng tới 32 bậc, ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Ông Dương Quang Thành: Tôi cho rằng, kết quả này thể hiện những nỗ lực, cố gắng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên. EVN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong khâu cấp điện mới, đảm bảo công khai, minh bạch và ngày càng tốt hơn theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho khách hàng.
Nhờ vậy, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 64/190 quốc gia, nền kinh tế là mức cải thiện thứ bậc xếp hạng cao nhất từ năm 2013 đến nay. Với kết quả này, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã vượt so với yêu cầu của Chính phủ và góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện Việt Nam được 6/8 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2016. Yếu tố này được cải thiện rất nhiều trong năm qua, đây là ghi nhận của Doing Business về những cải cách của EVN trong việc cung cấp điện với chất lượng ổn định, tin cậy và công khai, minh bạch về dịch vụ điện.
Đến cuối năm 2017, 100% các dịch vụ về điện của EVN đã thực hiện trực tuyến. Đây là một trong những nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện, góp phần tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng sử dụng điện. Thực tế, các tiêu chí về cung cấp điện năm 2017 của Tập đoàn đều vượt trội so với kế hoạch. Trong đó, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân 1.077 phút, giảm 35% so với thực hiện năm 2016.
PV: Được biết, năm 2018, Tập đoàn đã chọn chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Xin ông cho biết, mục đích, ý nghĩa của chủ đề này?
Ông Dương Quang Thành: Chúng tôi cho rằng, con người có vai trò quyết định. Để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân với chất lượng điện và dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn hảo, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, chủ đề này cũng phù hợp với sự phát triển của Tập đoàn trong thời kỳ công nghiệp 4.0, cũng như lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ tiên tiến và quản trị hiện đại, xây dựng Tập đoàn trở thành một trong các tập đoàn điện lực hàng đầu ASEAN.
PV: Xin cảm ơn ông!
Các chỉ tiêu kế hoạch chính của EVN năm 2018
- Điện sản xuất và mua: 210,49 tỷ kWh, tăng 9,38% so với năm 2017;
- Điện thương phẩm: 190,54 tỷ kWh, tăng 9,5% so với năm 2017;
- Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 7,2%;
- Chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện của toàn Tập đoàn: Thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI): 728 phút (giảm 32% so với năm 2017), SAIFI: 9,97 lần, MAIFI: 2,0 lần;
- Đầu tư xây dựng với tổng giá trị 117.842 tỷ đồng;
- Năng suất lao động SXKD điện tăng 8-10% so với năm 2017.
|