Chuyển giao bí quyết công nghệ cho nhà đầu tư điện mặt trời

Ông Paul English, Giám đốc bộ phận Power Conversion của GE Power khu vực Châu Á cho biết, GE đang tích cực đón đầu làn sóng đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời (ĐMT) và sẵn sàng cung cấp gói giải pháp chủ yếu cho các nhà đầu tư năng lượng mặt trời Việt Nam.

Ông Paul English

PV: Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng  cách xác định giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent /kWh. Theo ông, liệu sẽ có một “làn sóng” đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam?  

Ông Paul English: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng bức xạ lớn nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Việt Nam cũng có kết cấu hạ tầng mạng lưới điện phát triển. Tuy nhiên, giá mua điện thấp, chưa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư chính là một rào cản phát triển nguồn năng lượng tái tạo này ở Việt Nam.

Việc Chính phủ Việt Nam ban hành giá mua điện mặt trời đã chính thức tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường mua bán điện ở Việt Nam. Quyết định 11/2017/QĐ-TTg rất cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời, đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh tại Việt Nam. 

Với việc ứng dụng công nghệ và thay đổi chiến lược, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về sản lượng, sự ổn định nguồn điện cũng như nguồn năng lượng sạch, đảm bảo bền vững môi trường, nhà đầu tư và nhà cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội bùng nổ thị trường năng lượng mặt trời mà tôi tin rằng, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong thời gian tới.

PV: Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nhà máy điện mặt trời sẽ phải hoàn thành xây dựng và nối lưới trước tháng 6/2019 mới được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh. Vậy, theo ông, thiết bị và công nghệ có ảnh hưởng như thế nào đến tính khả thi của các dự án điện măt trời?

Ông Paul English: Công nghệ sử dụng trong các dự án điện mặt trời nối lưới đã có những bước nhảy vọt những năm gần đây. Đó là, nâng cao hiệu suất vật liệu và tế bào quang điện của các tấm pin năng lượng mặt trời, tăng hiệu suất, hiệu năng và định mức điện áp của bộ nghịch lưu, tối ưu hóa thành phần cân bằng năng lượng và kết nối lưới ổn định hơn. 

Những cải tiến này có ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư và chi phí quản lý vận hành trong suốt vòng đời dự án. Chi phí này đã giảm 85% trong giai đoạn 2009 - 2016 nhờ những tiến bộ công nghệ.

PV: Công nghệ của GE đã hỗ trợ quá trình đánh giá và phê duyệt các dự án điện mặt trời thuận lợi như thế nào, thưa ông?

Ông Paul English: GE là đơn vị đầu tiên đưa ra công nghệ 1,5 kV dựa trên kinh nghiệm cung cấp các bộ nghịch lưu với tổng công suất đặt hơn 4 MW trên toàn cầu. Công nghệ này giúp nhà máy điện mặt trời có thiết kế đơn giản hơn, hoạt động hiệu quả hơn và giảm bớt sự đầu tư cần thiết vào kết cấu hạ tầng. So với công nghệ 1 kV, bộ nghịch lưu của GE có thể giảm 3% chi phí cho hệ thống và tiết kiệm 15% chi phí vận hành, nhờ đó dự án điện mặt trời có sức cạnh tranh cao và sinh lời nhiều hơn.

GE đã đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo trên toàn cầu với công suất đặt 10 GW. Bộ phận Dịch vụ tài chính năng lượng của GE cho phép công ty đóng vai trò của một nhà đầu tư khi tham gia nắm quyền sở hữu dự án như cổ đông nhỏ. 

Mô hình kinh doanh kép này không chỉ đảm bảo khách hàng nắm quyền kiểm soát dự án mà còn tiếp cận năng lực tài chính của GE để tăng khả năng vay vốn ngân hàng cho dự án. Điều này đồng nghĩa, dự án năng lượng mặt trời sẽ được triển khai nhiều hơn, tạo cơ hội cho các đối tác và nhà đầu tư tiếp cận nguồn kiến thức kỹ thuật của GE trong suốt các giai đoạn triển khai dự án. 

Đây chính là lợi thế cho các đối tác của GE, vì chúng tôi xác định, chiến lược phát triển là dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng IoT.

PV: Sở hữu danh mục sản phẩm với đa dạng giải pháp và thiết bị năng lượng mặt trời ở nhiều quốc gia trên thế giới, GE có những cam kết gì góp phần thúc đẩy việc phát triển thị trường điện mặt trời Việt Nam, thưa ông?

Ông Paul English: Xét trên nhiều khía cạnh, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm chín muồi để củng cố vị thế của GE tại Việt Nam. Với xu hướng phát triển hiện nay, ngành Năng lượng mặt trời hứa hẹn một triển vọng tươi sáng, các nhà đầu tư sẽ hưởng lợi khi GE tham gia tích cực vào các dự án lắp đặt, ứng dụng các giải pháp phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực Điện mặt trời.

GE cũng đang tích cực thiết lập quan hệ đối tác với các kỹ sư, chuyên gia và nhà thầu xây dựng trong nước, đồng thời sẽ chuyển giao bí quyết công nghệ và năng lực tài chính cho khu vực. 

Sáng kiến chuyển giao công nghệ của GE là gói giải pháp năng lượng mặt trời gồm nhiều công nghệ quan trọng như, các tấm pin mặt trời, bộ nghịch lưu 1,5 kV, trạm biến áp, hệ thống lưu trữ pin và các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến... Gói năng lượng này được xác lập nhằm nâng hiệu suất của dự án năng lượng mặt trời không chỉ về mặt chi tiết kỹ thuật phần cứng mà còn được số hóa với khả năng giám sát toàn bộ hệ thống.

Một điểm khác biệt quan trọng của gói năng lượng này là GE sẽ tích hợp tất cả công nghệ chủ chốt được đề cập ở phần trên vào một hệ thống đã được tối ưu hóa. Nhờ đó, khách hàng có thể vận hành hệ thống ít phức tạp, ít rủi ro hơn, cũng như tăng độ tin cậy và tính sẵn sàng của hệ thống. 

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 05/02/2018 11:43
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 42541