Có điện lưới quốc gia, Hòn Sơn "thay da đổi thịt"

Sau một năm có điện lưới quốc gia, Hòn Sơn (xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) đang "thay da đổi thịt" mạnh mẽ. Từ cầu cảng, hình ảnh đập vào mắt là bờ kè chạy dọc mặt biển, nhà nghỉ, quán cà phê mọc lên san sát, khách du lịch dập dìu...

Đảo vui, tôi cũng vui!

Phó chủ tịch UBND xã Lại Sơn - Đặng Văn Hường cho biết, kể từ khi có điện lưới quốc gia (26/11/2016) đến nay, cuộc sống trên đảo Lại Sơn đã có rất nhiều thay đổi. Hiện toàn xã có 29 cơ sở lưu trú. Trong khi trước đó chỉ có 4 hộ kinh doanh nhà nghỉ. Ngoài những nhà nghỉ gần cầu cảng, các ấp ở xa cũng có nhiều nhà nghỉ mới mọc lên.

Lượng khách du lịch đến đảo cũng tăng mạnh, đạt 50.000 lượt người trong năm 2017, tăng gấp 5 lần năm 2016. Có điện, bà con mạnh tay mua sắm, sử dụng các thiết bị điện trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh...

Các cơ sở kinh doanh hải sản cũng trang bị các thiết bị bảo ôn hiện đại hơn như máy sục khí, làm đá lạnh...Từ đó trên đảo hình thành và phát triển ngành nghề mới là sửa chữa cơ điện lạnh.

Từ hai năm trước, chị Trần Thị Thanh Thúy (ấp Bãi Nhà) chuyển hướng từ sản xuất nước mắm sang kinh doanh nhà nghỉ nhằm đón đầu dòng khách du lịch khi điện lưới quốc gia ra đảo. Theo chị Thúy, khi chưa có điện lưới quốc gia, nhà nghỉ phải chạy máy phát để đảm bảo điện liên tục cho khách. Mỗi ngày đêm chạy ít nhất 25 lít dầu, hết 300 ngàn đồng, trong khi giá phòng chỉ có giá từ 200 - 250 ngàn đồng/ngày đêm. Vì vậy, hôm nào ít khách chủ nhà nghỉ cầm chắc lỗ.

"Giờ có điện lưới quốc gia nên khỏe lắm. Một hai khách thuê mình vẫn có lời" - chị Thúy chia sẻ. Chính vì thế, không chỉ mở rộng quy mô nhà nghỉ Hồng Cúc hiện hữu, chị Thúy đang dự định xây thêm nhà nghỉ mới. Các chị em trong gia đình chị cũng làm nhà nghỉ.

Sự thay đổi trên đảo từ khi có điện còn thể hiện qua nụ cười của những người dân nghèo vì có thêm thu nhập từ việc phục vụ khách du lịch. Anh Tư, người đàn ông trẻ tuổi làm nghề bốc vác trên đảo cười tươi rói: "Cuối tuần rộn ràng cả lên vì khách du lịch đến đông. Tui có nhiều việc làm nên thu nhập cũng tăng đáng kể. Có điện, đảo vui, tôi cũng vui!".

Hướng đến đảo giàu đẹp

Ông Ba Đấu, một bậc cao niên trên đảo có 5 người con nhưng hết 4 đứa vào bờ đi làm thuê, để hai vợ chồng già ở lại đảo, buồn thiu. Ngày đảo Lại Sơn có điện lưới quốc gia, ông Ba Đấu cười rung chòm râu bạc: "Hết buồn rồi. Điện đóm sáng trưng. Mấy sắp nhỏ nhà tui đang tính chuyện về lại đảo".

Không còn bỏ đảo ra đi, nhiều người, trong đó không ít những lao động trẻ xác định quay về hoặc ở lại gắn bó với đảo quê hương. Cùng với việc đầu tư phát triển nhà nghỉ, chị Trần Thị Thanh Thúy hướng con gái của mình đi học du lịch để sau này về quản lý nhà nghỉ. Chị bảo: "Muốn làm nhà nghỉ một cách chuyên nghiệp, làm sao cho khách hài lòng, giữ được khách quay trở lại thì mình phải có chuyên môn nên tôi hướng con lên thành phố học cái hay rồi mang về đảo. Đảo bây giờ có điện, nước, đường sá tiện lợi, nay mai những người ở nơi khác đến đây đầu tư nên người ở đảo phải có trình độ để còn làm ăn với người ta".

Con gái chị Thúy, người quyết định bỏ thành phố về đảo chia sẻ: "Ưu thế của người trẻ là tận dụng được internet để giới thiệu về đảo, về những cảnh đẹp, kết nối, liên hệ với khách qua các kênh mạng xã hội, nghĩ ra những chương trình mới, làm homestay....Mình phải chuyên nghiệp để khách còn yêu mà quay trở lại".

Ông Đặng Văn Hường cho biết, sắp tới xã đảo Lại Sơn sẽ được công nhận là điểm du lịch, được đón khách nước ngoài. Để chủ động và chuyên nghiệp dần trong làm du lịch, chính quyền xã Lại Sơn và huyện Kiên Hải đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân như lớp mở nâng cao kỹ năng giao tiếp, chăm sóc, sơ cứu khách du lịch cho chủ nhà trọ, nghiệp đoàn xe ôm, các gia đình làm homestay, mở các lớp dạy tiếng Anh, kỹ năng nấu ăn...Đồng thời tổ chức chợ đêm cuối tuần với các gian hàng ăn uống, mua bán hải sản ở kè đi bộ, tạo không gian cho khách du lịch vui chơi vào ban đêm.

Dự án cấp điện cho xã đảo Lại Sơn bao gồm 2 hạng mục là xây mới đường dây 110 kV An Biên- Lại Sơn, chiều dài 43,9 km (trong đó đoạn vượt biển dài 24,5 km) và xây dựng mới Trạm biến áp 110 kV Lại Sơn có quy mô công suất 2x25 MVA; cải tạo và mở rộng lưới điện phân phối trung hạ áp trên đảo Lại Sơn, cấp điện cho 1.956 hộ dân.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 484,5 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) làm chủ đầu tư, được hoàn thành và đóng điện vào cuối năm 2016.


  • 22/12/2017 02:47
  • Theo Tiền phong
  • 12601