Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đại diện Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, các chuyên gia về năng lượng tại Việt Nam và chuyên gia Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL); đại diện các Sở, ban, ngành và người dân tỉnh Quảng Bình.
Về phía EVN, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cùng đại diện các Ban chuyên môn Tập đoàn tham dự.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam cho biết: Tỷ trọng nhiệt điện than trên thế giới tới cuối năm 2016 chiếm hơn 41%, đây vẫn là xu hướng năng lượng toàn cầu.
Tại Việt Nam, các dự án thủy điện lớn hầu như đã khai thác hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng chỉ có thể thực hiện được sau năm 2025 với giá cao.
Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo với những nhược điểm: công suất không liên tục, không ổn định, hệ số khả dụng không cao do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, do đó không thể làm tải nền cho hệ thống điện và cũng không thể đóng tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện hiện nay.
Trong bối cảnh đó, nhiệt điện than với tính ổn định và giá thành hợp lý đã, đang và sẽ là nguồn điện đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện. Tuy nhiên, thời gian qua, một số thông tin sai lệch, thiếu cơ sở khoa học về tác động của nhiệt điện than tới môi trường, gây cách hiểu sai lệch về các NMNĐ trong cộng đồng.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
|
Phân tích về công nghệ của nhà máy nhiệt điện, PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định: Nhà máy nhiệt điện than là nhà máy có công nghệ bảo vệ môi trường tốt nhất trong các nhà máy công nghiệp chạy than.
Với NMNĐ Quảng Trạch 1, nhà máy này được đầu tư công nghệ siêu tới hạn. Đây là công nghệ tiên tiến, được đón nhận tại nhiều nước. Nhà máy được trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiệu quả tới 99,75%, đảm bảo không gây tác động tới môi trường sống.
Về phát thải khí, NMNĐ Quảng Trạch 1 xử lý SOx bằng nước biển. Theo PST.TS Trương Duy Nghĩa, phương pháp này tạo ra các muối sunfat – thành phần sẵn có trong nước biển, do đó, không gây tác động đến thủy sinh. Lượng SOx phát thải ra môi trường đảm bảo hàm lượng dưới 229,8 mg/Nm3, tốt hơn yêu cầu tại tiêu chuẩn QCVN 22:2009/BTNMT.
Với khí NOx, NMNĐ Quảng Trạch 1 dùng amoniac để hấp thụ khí này, tạo sản phẩm là nitrat amôn, được sử dụng làm phân bón hóa học.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa cũng khẳng định: Lượng tro xỉ của NMNĐ Quảng Trạch 1 thải ra khoảng 0,195 triệu tấn/năm, gần như không có hàm lượng carbon chưa cháy sót lại. Do đó, đây chính là nguồn nguyên liệu quý để làm vật liệu xây dựng.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khẳng định EVN luôn chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường
|
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, trong quá trình phát triển, EVN luôn chú trọng vận hành hiệu quả các nhà máy nhiệt điện than và hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
EVN hiện đang quản lý 13 NMNĐ than, sử dụng công nghệ siêu tới hạn và dưới tới hạn, với tổng công suất 11.417 MW chiếm khoảng 72% trong công suất nguồn điện than tại Việt Nam.
Các NMNĐ do EVN quản lý luôn thực hiện tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt, đồng thời vận hành hiệu quả và giảm thiếu tối đa phát thải ra môi trường xung quanh. Tất cả các nhà máy đều sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hầu hết các NMNĐ than được đầu tư lắp đặt hệ thống khử SO2, Nox. Do đó, nồng độ phát thải tại nhiều NMNĐ của EVN luôn thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cho phép.
Đặc biệt, các nhà máy được lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải liên tục (CEMS), giám sát phát thải liên tục và truyền dữ liệu online về các sở Tài Nguyên - Môi trường để cơ quan chức năng và người dân có thể theo dõi 24/24, từ đó, an tâm với các hoạt động của nhà máy.
Với nhiều thông tin giá trị, Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia năng lượng, cũng như đại diện cơ quan chức năng và người dân tỉnh Quảng Bình
|
Đại diện JCOAL (Nhật Bản) chia sẻ về tình hình tiêu thụ than, công tác vận hành cũng như công nghệ bảo vệ môi trường tại các NMNĐ ở Nhật Bản. Trong đó, có nhiều công nghệ tiên tiến được sử dụng tại nhiều NMNĐ của EVN nói chung và NMNĐ Quảng Trạch 1 nói riêng.
Hội thảo cũng dành thời gian để trao đổi, giải đáp những thông tin liên quan, trong đó nhiều đại biểu đánh giá cao và bày tỏ kỳ vọng EVN sẽ thực hiện tốt các cam kết môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy.