Công ty Điện lực Gia Lai phát triển lưới điện thông minh

Những năm qua, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) chú trọng phát triển lưới điện thông minh với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như trạm biến áp không người trực trong quản lý, vận hành lưới điện, lắp đặt công tơ thông minh thu thập số liệu từ xa…

Qua đó, Công ty từng bước nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tăng năng suất lao động.

Ông Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Kỹ thuật (PC Gia Lai) cho biết: Dấu ấn nổi bật là đưa hệ thống SCADA của Trung tâm điều khiển xa vào vận hành, mang lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty như: giảm thời gian thao tác vận hành đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì, bảo dưỡng, xử lý sự cố lưới điện...

Từ đó, Công ty giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm vận hành lưới điện an toàn.

Trạm biến áp 110kV không người trực tại huyện Chư Pưh, Gia Lai.

Hiện tại, Công ty đã đưa 13/13 trạm biến áp 110kV sang chế độ không người trực; 79/79 xuất tuyến trung áp 22kV, 35kV đã có hệ thống SCADA đầu xuất tuyến; 10/11 chức năng hệ thống quản lý phân phối DMS đã được trang bị; đồng thời, đưa vào hoạt động chức năng FLISR (cho phép phần mềm phát hiện lỗi, cô lập sự cố và khôi phục lưới điện một cách khoa học, tự động mà không cần sự điều khiển của người vận hành) cho 28/79 xuất tuyến.

Cùng với đó, 23/30 nhà máy dưới 10MW được kết nối về trung tâm điều khiển; 35/35 ngăn xuất tuyến 110kV thuộc 13 trạm biến áp 110kV được chia sẻ về Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) và Trung tâm giám sát Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) qua giao thức truyền thông IEC 60870-5-104.

Ông Phạm Anh Cường thông tin: “Công ty cũng đã lắp đặt 100% công tơ thông minh và công tơ có chức năng đo đếm từ xa AMR với 452.458 cái. Song song đó, sử dụng hệ thống RF-SPIDER để thu thập chỉ số công tơ từ xa tự động; sử dụng hệ thống đo đếm điện năng từ xa DSPM thu thập dữ liệu công tơ trạm biến áp công cộng, trạm biến áp khách hàng chuyên dùng, công tơ ranh giới, đầu nguồn, công tơ đo đếm tại các trạm biến áp 110kV và các nhà máy thủy điện.

Bên cạnh đó, Công ty cũng áp dụng công nghệ Business Intelligence-BI thực hiện một số báo cáo riêng để phục vụ công tác quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh tại đơn vị; hay phần mềm quản lý OMS nhằm thống kê thông tin mất điện chi tiết đến từng khách hàng, trạm biến áp công cộng, hỗ trợ liên kết với hệ thống SCADA và hệ thống đo xa.

Ngoài ra, dữ liệu OMS có thể phục vụ phân tích các bài toán trạm biến áp hoặc khách hàng mất điện nhiều lần, nguyên nhân và khu vực tập trung sự cố, công suất, sản lượng không cung cấp được trong các sự kiện mất điện”.

Đặc biệt, Công ty đã trao quyền cho khách hàng trong việc tra cứu về tình hình sử dụng điện, các điểm và lịch thu tiền điện, biểu đồ phụ tải, thay đổi thông tin, thanh toán trực tuyến, được cảnh báo khi có bất thường... trong sử dụng điện.

Chị Lê Hoài Hương (tổ 8, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) nhận định: “Từ khi sử dụng app chăm sóc khách hàng của ngành Điện, tôi có thể tra cứu các thông tin như lịch tạm ngừng cung cấp điện, lịch ghi chỉ số, lịch sử thanh toán, sử dụng điện... vào bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ ở đâu. Ngoài ra, tôi có thể theo dõi lượng điện sử dụng hàng tháng để có kế hoạch sử dụng phù hợp”.

Trưởng phòng Kỹ thuật (PC Gia Lai) Phạm Anh Cường cho biết thêm: “Phát triển lưới điện thông minh là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ 4.0. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đẩy mạnh quá trình tự động hóa lưới điện phân phối, mở rộng và khai thác hiệu quả hệ thống SCADA, DMS. Song song đó, Công ty thực hiện kiểm tra định kỳ hệ thống, rà soát hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm công tác quản lý vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu, các quy trình, quy định tác nghiệp về công tác công nghệ thông tin cũng như viễn thông chuyên ngành hoặc công tác quản lý vận hành hệ thống tự động hóa SCADA, DMS”.

Lưới điện thông minh:

Là hệ thống có khả năng tự theo dõi và phân phối dòng điện một cách độc lập nhằm tạo ra hiệu quả năng lượng tối đa.

Tất cả các thiết bị tương tác với nhau, tạo thành một hệ thống cung cấp điện thông minh thống nhất nhờ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại.

Lưới điện thông minh sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cho phép tạo ra một hệ thống lưới điện linh hoạt, có khả năng thích ứng và ứng phó với tình trạng mất điện, hư hỏng so với lưới điện truyền thống.

Link gốc

 


  • 17/07/2024 09:14
  • Theo: baogialai.com.vn
  • 5355