Cụ thể theo Quyết định (QĐ) 39 của Thủ tướng Chính phủ (ký ngày 10/9, có hiệu lực từ ngày 1/11/2018), giá điện gió đối với các dự án lắp đặt dưới biển là 9,8 US cent/kWh (tức 2.223 đồng/kWh). Với các dự án điện gió lắp đặt ở đất liền, giá bán tại điểm đấu nối là 8,5 US cent/kWh thay cho mức 7,8 US cent/kWh hiện tại (giá này sẽ được điều chỉnh theo biến động VND/USD). Chi phí mua điện từ các dự án điện gió sẽ được tính toán trong thông số đầu vào phương án giá bán điện hằng năm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Giá điện gió tăng gần 10% so với trước sẽ kích thích cho các dự án đang được triển khai
|
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, vui mừng cho biết: QĐ 39 sẽ là “cú hích” mới và mạnh cho ngành năng lượng xanh nói chung, điện gió nói riêng.
Theo ông Thịnh, ngày 18/4/2017, khi Thủ tướng về làm việc tại Bình Thuận, Hiệp hội điện gió Bình Thuận đã có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét việc tăng giá cho điện gió. Trên thực tế, giá điện gió (7,8 cent/kWh) là quá thấp, nhà đầu tư không có lãi. Đây là nguyên nhân chính làm cho các dự án điện gió chậm triển khai.
“Trong QĐ 39 của Thủ tướng, giá điện gió tăng gần 10%. Điều này thể hiện sự ưu tiên về chính sách của Chính phủ. Theo chúng tôi, 8,5 cent/kWh là giá tốt cho các dự án đang được triển khai”, ông Thịnh nói.
Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận cho rằng, quyết định này bãi bỏ điều 9 của QĐ 37 (sau 12 tháng không khởi công sẽ thu hồi dự án), nhưng đồng thời có quy định rất cụ thể điều kiện được khởi công dự án, là hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay. “Để lách luật, nhiều chủ dự án khởi công hoành tráng, sau đó không làm gì cả. Điều này vừa gây lãng phí đất đai, vừa tạo ấn tượng không tốt về các dự án điện gió”.
Cũng theo ông Thịnh, thời hiệu của QĐ 39 chỉ áp dụng đến ngày 1/11/2021 là hoàn toàn phù hợp thông lệ quốc tế. Điều này thúc đẩy các chủ dự án muốn đầu tư thật sự vào ngành điện gió vốn đang phát triển chậm hơn điện mặt trời.
Không triển khai sẽ kiên quyết thu hồi
Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt thì công suất lắp đặt điện gió của Bình Thuận đạt xấp xỉ 700 MW, sản lượng điện gió tương ứng 1.500 triệu kWh; đến năm 2030 công suất lắp đặt tích lũy đạt 2.500 MW, sản lượng đạt 5.475 triệu kWh.
Hiện nay Bình Thuận có tới 19 dự án điện gió được tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu và chấp thuận đầu tư (công suất đạt 1.192,5 MW). Trong số này đã có 12 dự án được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư (tổng công suất 507,3 MW). Trong số 12 dự án trên, đã có 3 dự án đi vào hoạt động, đó là các dự án: Phong Điện 1 Bình Thạnh, Thuận Bình Phú Lạc và một dự án trên đảo Phú Quý.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận, QĐ 39 của Thủ tướng ra đời vừa thúc đẩy, vừa “ràng buộc” các dự án điện gió. Chỉ có thể đầu tư thực sự mới dám khởi công. Bởi Thủ tướng quy định trước khi khởi công phải hoàn thành đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng và đặc biệt là đã có hợp đồng với bên mua là EVN.
Ông Huỳnh Văn Điển - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (nơi có 2 dự án điện gió đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động), cho rằng Tuy Phong là nơi có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nhất tỉnh vì ở đây tỷ lệ giờ nắng, gió cao hơn các nơi khác. Với chủ trương mới này, UBND huyện sẽ cập nhật, theo dõi và tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án điện gió và cả điện mặt trời triển khai. Tuy nhiên nếu dự án nào cố tình dây dưa, giữ đất để chuyển nhượng thì UBND huyện sẽ kiến nghị tỉnh thu hồi dự án.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Minh Kính cho biết, sau khi có chính sách giá điện gió của Thủ tướng, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đốc thúc các dự án triển khai. Nếu dự án nào không làm mà không chứng minh được lý do sẽ kiên quyết thu hồi. “Trước đây anh nói giá điện thấp, nếu làm sẽ lỗ. Nay giá điện được Chính phủ tăng tới 10%, không có lý do gì để không triển khai. Còn nhà đầu tư nào không đủ năng lực thì thu hồi lại để giao cho nhà đầu tư có năng lực và thiện chí”, ông Kính khẳng định.