PV: Thưa ông, việc cung ứng điện từ đầu năm đến nay đã được thực hiện như thế nào?
Ông Vũ Xuân Khu: Qua 4 tháng đầu năm và 10 ngày đầu tháng 5/2023, hệ thống điện quốc gia đã vận hành an toàn, ổn định, cung cấp đủ điện cho nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay cũng có những đặc thù nhất định. Thứ nhất, năm 2023, nắng nóng xuất hiện sớm với nền nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm ở cả miền Bắc và miền Nam. Riêng ngày 6/5, nắng nóng đã đạt mức kỷ lục. Theo ghi nhận, nắng nóng tại Tương Dương, Nghệ An đạt đến 44,2 độ C; trong khi đó kỷ lục của các năm gần đây ghi nhận nền nhiệt độ cao nhất là 43,2 độ C tại Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia
|
Mặc dù đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc và toàn quốc cũng đã lên rất cao. Riêng ngày 6/5, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300MW, tăng trưởng khoảng 6% so với công suất ngày cao nhất của tháng 5/2022; sản lượng tiêu thụ ngày này trong toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh.
Thứ hai, tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 10 hồ thủy điện lớn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam mực nước đã xấp xỉ mực nước chết hoặc là ở mức nước chết; trong đó có các hồ thủy điện của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho hạ du cũng như có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện trong thời gian còn lại của mùa khô 2023.
PV: Vậy thời gian tới khi bước vào cao điểm nắng nóng (tháng 6, tháng 7), tình hình cung ứng điện sẽ phải đối mặt với những thách thức nào, thưa ông?
Ông Vũ Xuân Khu: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như quy luật thông thường, tháng 5 chưa phải nắng nóng đỉnh điểm, mà tập trung vào tháng 6 - 7, thậm chí có thể kéo dài cho đến tháng 8. Đáng nói, nền nhiệt độ năm 2023 được dự báo sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Riêng khu vực miền Bắc nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với năm 2022; số ngày nắng nóng và tần suất nắng nóng cũng diễn ra dài hơn. Điều này sẽ làm cho nhu cầu phụ tải của hệ thống điện, đặc biệt là ở miền Bắc sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Cùng với đó, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023 cũng khiến lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng nước về hồ thủy điện các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp, có xu hướng thiếu hụt hơn so với trung bình nhiều năm.
PV: Trước những khó khăn, thách thức đó, ông có khuyến nghị gì với khách hàng sử dụng điện, thưa ông?
Ông Vũ Xuân Khu: Thời gian qua, để đảm bảo cung cấp điện phục vụ nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện trên hệ thống.
Thời gian tới, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các tổng công ty Điện lực cập nhật liên tục tình hình vận hành của hệ thống; đồng thời sẽ có thông báo đến cho các khách hàng để khách hàng có kế hoạch chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Song song với nỗ lực của ngành Điện, chúng tôi mong khách hàng chia sẻ và không ngừng nêu cao tinh thần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h00, nhất là những ngày nắng nóng cực đoan.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!