Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia
|
Phát biểu tại Hội thảo, ông Clive Turton - Chủ tịch Vestas khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam có bờ biển dài, có diện tích đất lớn, nguồn gió dồi dào và là quốc gia có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực ASEAN. Sản lượng điện gió có thể lên tới 30 GW nếu được đầu tư đúng mức. Hiện Việt Nam cũng đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển năng lượng gió.
Tuy tiềm năng dồi dào, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năng lượng gió tại Việt Nam chưa được đầu tư và khai thác một cách tương xứng. Cụ thể, đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có 6 dự án điện gió đi vào vận hành và phát điện, với tổng công suất khoảng gần 200 MW. Nguyên nhân, do khả năng hạn chế của chủ đầu tư trong việc phát triển dự án đầu tư khả thi để có thể tiếp cận nguồn vốn vay thương mại và quốc tế.
Ngoài ra, theo ông Mai Văn Huế - Chủ tịch Công ty CP Tân Hoàn Cầu, giá mua điện thấp là một trong những khó khăn lớn của nhà đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không thể mua điện gió với giá cao như các nước Thái Lan, Hàn Quốc (khoảng 25 cent/kWh). Giá điện gió ở Việt Nam hiện nay chỉ là 7,8 cent/kWh. Do đó, các nhà đầu tư quan ngại về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn khi đầu tư vào những dự án năng lượng tái tạo này.
Một trong những thách thức nữa của việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió là việc đảm bảo độ tin cậy khi hòa vào lưới điện quốc gia. Về vấn đề này, đây là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang giải quyết. “Tuy nhiên, với chúng tôi, đây không phải là vấn đề. Điển hình, Đan Mạch tính đến ngày hôm qua đã có 87% năng lượng gió. Việc sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm giữ sự ổn định khi hòa năng lượng gió vào lưới điện, Vestas đã có kinh nghiệm rất nhiều năm và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam”, ông Clive Turton cho hay.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chiếm lĩnh trong thế kỷ 21. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để thúc đẩy đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và cơ chế khuyến khích, ưu tiên như: Giảm giá FIT hợp đồng mua bán điện mẫu cho phát triển năng lượng điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải rắn, điện mặt trời và điện gió. Riêng giá FIT hỗ trợ phát triển điện gió cũng đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Đồng thời hàng loạt các quy hoạch phát triển điện lực tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và quy hoạch phát triển điện gió ở địa phương cũng đã được UBND các tỉnh xây dựng và Bộ Công Thương phê duyệt ban hành.
Cũng theo ông Quân, trong lộ trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, đề xuất ban hành các cơ chế phù hợp, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời kỳ mới; tăng cường tái cơ cấu quản lý và nâng cao năng lực thực hiện của các cấp; nghiên cứu công nghệ lưới điện thông minh, kỹ thuật lưu trữ năng lượng và khả năng dự báo, nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp nhận nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
“Là quốc gia có công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới về phát triển điện gió, tôi hi vọng Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng chuyên môn, cung cấp nguồn tài chính thông qua hợp tác doanh nghiệp với doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứu phát triển”, ông Quân chia sẻ.
Bà Charlotte Laursen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho hay, thời gian qua, Việt Nam và Đan Mạch đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam có thể đạt mục tiêu tương lai năng lượng xanh hơn, củng cố quan hệ Việt Nam - Đan Mạch trong ngành năng lượng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận về các chiến lược giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận; giải pháp tài chính cho việc kinh doanh điện gió…