Đảng viên tham gia mạng xã hội như thế nào trong công cuộc đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

Thời gian gần đây, rất nhiều mạng xã hội xuất hiện, đưa tin dưới nhiều hình thức: bản tin ngắn, bài viết dài kèm hình ảnh, các clip hình ảnh thực hoặc được sáng tác, nội dung phong phú và có sức hấp dẫn rất lớn đối với người xem và nghe. Ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là Facebook, Tiktok, Youtube. Nắm bắt xu hướng, Lotus – mạng xã hội của người Việt cũng được xây dựng và ra mắt vào tháng 09/2019, tuy nhiên, xét về độ hấp dẫn, số lượng thành viên tham gia thì không thu hút được nhiều người dùng như các mạng của nước ngoài.

Thời gian đầu, hào hứng với việc đưa nội dung lên mạng xã hội, người dùng thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh, nội dung mang tính cá nhân! Khá nhiều bài viết, clip đều mang tính chất giới thiệu về bản thân, cảm nhận hoặc đánh dấu khi ghé thăm một địa điểm thú vị, một nhà hàng ăn ngon, … Dần dần, nhận ra sức mạnh của việc người dùng theo dõi, hưởng ứng các bài viết, ảnh hưởng tích cực từ việc có nhiều “like” đến uy tín, thương hiệu cá nhân/doanh nghiệp, việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội trở thành một nghề chính thức, đóng góp không nhỏ cho việc tạo các xu hướng trên chính các trang mạng xã hội này.

Không thể phủ nhận những ưu điểm trong việc truyền tải thông tin đến người xem, nghe tin tức thông qua mạng xã hội, do ưu điểm của thông điệp thường được tổ chức dưới hình thức đa phương tiện: các nội dung có thể dưới dạng bài viết kèm dữ liệu bảng biểu, biểu đồ minh họa; bài viết kèm lời thuyết minh, hình ảnh minh họa; clip ngắn, dài kèm các đoạn nhạc nền theo xu hướng, … nhìn chung, các bài đăng trên mạng xã hội ít bị các ràng buộc, hạn chế mà các phương tiện truyền thông truyền thống (báo, tạp chí, radio, truyền hình) thường gặp phải. Do vậy, hiệu quả của truyền đạt thông tin trở nên vượt trội và ngay lập tức thu hút được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi và tương tác.

Bên cạnh đó, mạng xã hội còn cho phép người dùng sau khi tiếp cận thông tin có thể có các tương tác:

* Đồng tình/Rất thích/Quan tâm/Ngạc nhiên/Buồn/Vui/Giận dữ (bằng cách chọn các biểu tượng cảm xúc phù hợp).

* Nêu ý kiến cá nhân (bình luận) đối với một vài nội dung, khía cạnh hoặc toàn bộ bài viết.

* Chia sẻ nội dung đến những người dùng khác hoặc chia sẻ công khai (ai cũng có thể xem/biết việc chia sẻ này).

Đương nhiên, người dùng vẫn có thể lựa chọn “không làm gì”/“không có ý kiến gì”.

Việc cho phép người dùng tương tác (với một trong các hình thức ở trên) tạo nên một động lực lớn chưa từng có, khiến cho sức hấp dẫn của các nội dung trên mạng xã hội lại càng hấp dẫn. Chưa bao giờ việc nêu ý kiến, chính kiến, phản đối, ủng hộ, tranh luận,…các nội dung lại dễ dàng đến thế! Người dùng thoải mái bày tỏ ý kiến ngay lập tức, trực tiếp ngay khi nội dung vừa được đăng tải, đồng thời có thể xem và tiếp tục tương tác với những phản hồi khác, người dùng cũng có thể sử dụng rất nhiều cách để thực hiện: điện thoại di dộng, máy tính bảng, … rất tiện dụng.

Đôi khi, từ tương tác của người dùng, nội dung của bài viết, clip lại tiếp tục được lan rộng, mở rộng sang các chủ đề khác, con người khác, địa điểm khác,… mang lại những lợi ích không ngờ.

Chính vì tác dụng như vậy, việc rất nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng mạng xã hội như một cách tiếp cận đến công chúng trở nên ngày càng rộng rãi, được tổ chức và xây dựng có kế hoạch và bài bản, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người, tổ chức làm nội dung.

Bên cạnh đó, người dùng cũng được hưởng lợi khi được tiếp cận, xem, nghe thông tin được xây dựng, sáng tạo một cách bài bản, có hệ thống, có chiến lược, từng bước gây ảnh hưởng và tạo dấu ấn thông tin, hình ảnh, thương hiệu, uy tín, … đối với người tham gia.

Có thể nói, tại Việt Nam, việc tham gia mạng xã hội là điều hoàn toàn bình thường và đương nhiên đối với thế hệ trẻ và đối với những người có độ tuổi <60 tuổi. Theo bài báo: “ Số lượng tài khoản Facebook tại Việt Nam tháng 8/2021” trên trang https://pamarketing.vn/, số lượng tài khoản Facebook tại Việt Nam là khoảng 90 triệu tài khoản, với hơn 70 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, và số người sử dụng thường xuyên lên tới hơn 90% người dùng.

Chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh các nội dung, thông tin trên các mạng xã hội có hiệu quả và chính xác đến đâu, tuy nhiên, theo một bài viết trên mạng xã hội tinhte.vn với tựa đề: “Nghiên cứu: 20% lượng thông tin trên TikTok là tin giả hoặc không kiểm chứng” thì theo NewsGuard -  đơn vị chuyên trách nhiệm vụ kiểm tra mức độ chính xác của một thông tin, đã có một nghiên cứu quy mô nhỏ. Họ đi đến kết luận rằng những video trên TikTok, đặc biệt là những chủ đề nghiêm túc và quan trọng đang chứa lượng tin giả hoặc thông tin chưa được kiểm chứng cao bất thường.

 Mặc dù vậy, bên cạnh việc nhiều nội dung chưa được kiểm chứng hoặc độ tin cậy không cao, chúng ta cũng không thể phủ nhận được sức mạnh của cộng đồng mạng xã hội đối với một vài sự việc, vụ việc, hoặc các phong trào kêu gọi ủng hộ từ thiện, kêu gọi làm rõ, cung cấp thông tin đa chiều ở một số trường hợp với người nổi tiếng, khiến cho công chúng được quyền tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, giúp làm vụ việc thêm sáng tỏ, mang lại hiệu quả tích cực đối với xã hội.

Chính vì sức ảnh hưởng và hiệu quả mà các mạng xã hội mang lại, thời gian gần đây, hầu hết các tổ chức, cơ quan của Hệ thống chính trị của Nhà nước đều chính thức tạo lập các tài khoản, fanpage, hội/nhóm trên các trang mạng xã hội phổ biến nhằm hai mục đích:

* Một là xem mạng xã hội như là một kênh truyền thông chính thức để chuyển tải thông tin đến công chúng, người dân.

* Hai là hạn chế nguy cơ kẻ xấu sử dụng các tài khoản có dấu hiệu nhận dạng tương tự hoặc giả mạo, mạo danh tổ chức để lừa đảo, tuyên truyền sai sự thật.

* Ba là, từng bước sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin từ người dùng, phản hồi và những ý kiến đối với thông điệp đang truyền thông.

Thêm nữa, bên cạnh việc tạo, sở hữu các tài khoản, quản trị các hội nhóm, các cơ quan này cũng rất chú ý đến việc xây dựng đội ngũ quản trị viên nhằm duy trì, kiểm soát các trang thông tin này.

Với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức Nhà nước vào các trạng mạng xã hội, có thể nói, việc đảng viên tham gia vào các mạng xã hội này gần như là điều mà chúng ta phải chấp nhận, hoặc chủ động đón nhận, tham gia và tương tác nhiều hơn nữa nếu muốn nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cũng như tiếp tục tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu chúng ta xem việc đảng viên tham gia mạng xã hội là tất yếu, đâu là lý do?

Trước tiên, việc tham gia mạng xã hội của đảng viên là không có gì sai trái, không bị cấm theo quy định 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trừ trường hợp đảng viên công tác ở các đơn vị đặc thù có quy định hạn chế/cấm sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, mạng xã hội dần dần được xác định là một trong số các công cụ đưa tin, truyền thông của tổ chức, cơ quan nhà nước, báo chí cách mạng. Do đó, việc đảng viên tham gia các mạng xã hội, tiếp cận các thông tin qua các kênh này cũng là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với xu hướng thông tin di động, thông tin số, thông tin đa phương tiện bên cạnh các nguồn tin truyền thống như báo in, tạp chí, kênh radio hay truyền hình.

Thứ ba, mặc dù thông tin đăng tải trên các mạng xã hội rất nhiều, chất lượng nguồn tin rất khác nhau, nhưng nếu biết chắt lọc, phân tích thông tin, tiếp cận đa chiều, chúng ta vẫn có thể có được nhiều thông tin giá trị mà các nguồn tin khác không tiếp cận được (ví dụ các tin tức, phản hồi của những người có liên quan đến sự việc mà tại thời điểm đăng tải thông tin lần đầu chưa có cơ hội để cung cấp thông tin, nhưng sau đó có điều kiện bổ sung thêm các dữ liệu có giá trị giúp làm sáng tỏ sự việc, nội dung).

Thứ tư, lan tỏa thông tin tích cực, báo cáo thông tin vi phạm chuẩn mực cộng đồng để ngăn ngừa các nội dung xấu, nội dung không phù hợp. Việc tham gia mạng xã hội giúp chúng ta có thể ủng hộ thông tin hữu ích, làm tăng cơ hội thông tin đến các nhóm đối tượng, người dùng phù hợp, giúp bản tin có vị trí cao trên bảng xếp hạng, tạo nên xu hướng dẫn đầu khi tìm kiếm hoặc khi được phát ngẫu nhiên. Hỗ trợ và tạo động lực cho người làm nội dung, khích lệ động viên họ có tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.

Thứ năm, tham gia mạng xã hội giúp đảng viên có thể nhận diện, phản bác các luận điểm sai trái, các nội dung xuyên tạc. Tuyên truyền tấm gương, hình ảnh đẹp của cán bộ đảng viên, gương người tốt việc tốt, những cử chỉ hành vi đẹp của mọi tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện, báo cáo tổ chức các nguy cơ lộ, lọt thông tin bí mật, chưa được phép công bố.

Bên cạnh đó, tham gia tích cực mạng xã hội cũng có nhiều nguy cơ, có thể gây các tác động xấu đến đảng viên và người dùng nói chung. Mặt trái của mạng xã hội là tin tức không được kiểm chứng, thông tin đa dạng nhưng nhìn chung không chính thống. Vì thế, đảng viên rất dễ chịu ảnh hưởng với các nguồn tin chất lượng thấp, không đáng tin cậy, xuyên tạc sự thật, do đó, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, phân tích đánh giá mức độ tin cậy và tính chính xác của thông tin trước khi có các hành động trên mạng xã hội.

Thứ hai, đảng viên dễ bị lợi dụng khi chia sẻ, bày tỏ quan tâm đến các vụ việc có tính thời sự tức thời, phức tạp, các mâu thuẫn xã hội, thậm chí trong nhiều trường hợp là thông tin bịa đặt. Khi người dùng thực hiện chia sẻ nội dung trên, vô tình tiếp tay cho hành vi lan truyền thông tin sai sự thật.      

Thứ ba, hình ảnh đảng viên hoặc những người có ảnh hưởng thường bị lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật. Với việc đảng viên có mặt tại các sự kiện hoặc tham gia tương tác, bình luận các nội dung thường được ngầm hiểu là có thái độ ủng hộ. Vì thế, đảng viên cần nhận thức rõ việc này để tránh bị lợi dụng tại các sự kiện, buổi tụ họp đông người hoặc các nhóm, hội có quan điểm, tư tưởng không rõ ràng. Bên cạnh đó, việc tham gia tương tác với các nội dung cần tránh thể hiện ý kiến không rõ, dễ bị xuyên tạc. Trường hợp nghi ngờ cần nêu rõ ý kiến ủng hộ hay phản đối.

Thứ tư, đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng, thái độ chính trị không rõ ràng thì dễ bị thuyết phục, từ đây tự chuyển biến, tự chuyển hóa. Đây là điểm nguy hiểm nhất của việc đảng viên tham gia mạng xã hội. Khi phải thường xuyên tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, các nội dung không đúng sự thật, nhưng được lặp lại quá nhiều lần hoặc được phần đông người dùng tương tác, chúng ta thường có xu hướng tin là thật, từ đây, dẫn đến việc dần dần mất đi ý chí đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái.

Thứ năm, đôi khi các tương tác, bình luận của người dùng có xu hướng trái chiều với số đông sẽ bị phản ứng, đả kích mạnh, từ đây người dùng dễ có các hành động thái quá, phát biểu không chuẩn mực, thông tin không đúng, đầy đủ và bị lợi dụng để phá hoại. Vì thế, việc giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” khi tương tác trên mạng xã hội là điều hết sức quan trọng.

Từ những phân tích trên đây, tôi cho rằng việc đảng viên tham gia vào các trang mạng xã hội là điều tất yếu, nếu không muốn nói là cần thiết. Vì vậy, cần phải có nhận thức đúng đắn và những việc nên, không nên khi tham gia mạng xã hội, bao gồm ít nhất những nội dung sau đây:

* Đảng viên cần nhận thức đúng đắn về việc tham gia các mạng xã hội, hoặc rộng hơn là không gian mạng, hiểu rõ cơ hội mà mạng xã hội mang lại (nội dung tin tức, kiến thức xã hội, xu hướng, hành động của bộ phận, hội, nhóm,…) đồng thời ngăn ngừa các tác hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực có thể có, từ đây có thái độ tích cực, đánh giá khách quan đối với vấn đề này.

* Chủ động đăng ký, tham gia các mạng xã hội phổ biến, thông qua đó, tìm hiểu các xu hướng của người dùng, các nội dung đáng quan tâm, thông tin xác thực và đáng tin cậy.

* Phải thận trọng, nhưng cần hướng tới các tương tác tích cực (like, chia sẻ) với các nội dung phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nội dung phản ánh những sự việc tốt đẹp, những hình ảnh, hành động đẹp của cán bộ, đảng viên, người dân trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự kiện thiên tai, dịch bệnh, trong công sở, bệnh viện, trường học,… qua đó lan tỏa và làm cho các nội dung tích cực có cơ hội đến với số đông người dùng. Đồng thời, phải có tương tác hiệu quả (phản đối, báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng) đối với các bài viết, thông tin có nội dung không phù hợp với văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt Nam; không tham gia bình luận, chia sẻ thậm chí từ bỏ các hội, nhóm người dùng có các tư tưởng cực đoan, chống đối chính sách và pháp luật, xúc phạm, bôi nhọ danh dự của Đảng, Nhà nước, tổ chức và cá nhân người khác.

* Không chia sẻ, đăng tải lại, bình luận những nội dung, tin tức chưa được kiểm chứng, không dẫn nguồn hoặc nguồn không đáng tin cậy.

* Báo cáo tổ chức, cơ quan đơn vị trong trường hợp phát hiện những bài viết, nội dung có liên quan đến tổ chức, cơ quan đơn vị mà mình đang công tác, sinh hoạt để có biện pháp theo dõi, phòng chống tác hại của thông tin.

* Đối với các đơn vị có điều kiện và nguồn lực: tổ chức bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách về công tác truyền thôn,g chủ động đăng bài viết, sáng tạo nội dung giới thiệu, tuyên truyền về cơ quan đơn vị, chia sẻ các thông tin trong lĩnh vực hoạt động trong nỗ lực về quan hệ công chúng, nhất là những ngành, nghề đang được xã hội quan tâm hoặc có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn xã hội.

* Tiến tới thực hiện các hoạt động truyền thông một cách chuyên nghiệp bằng cách xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông có trọng điểm, lựa chọn từng nhóm đối tượng để có biện pháp, công cụ, hình thức sáng tạo nội dung cho phù hợp, tổ chức đội ngũ chuyên trách để thực hiện khâu phản hồi, xử lý các tương tác của người dùng, đảm bảo hiệu quả và tính chính xác của công tác truyền thông, sàng lọc và đảm bảo các phản hồi tiêu cực không gây ảnh hưởng xấu, tác động xấu đến nội dung truyền thông.

Với những thay đổi liên tục trong thế giới số và xu hướng toàn cầu hóa, mạng xã hội cũng cần được xem như một công cụ truyền thông mà Đảng có thể dùng như một phương thức tiếp cận với lượng người dùng đông đảo nhằm truyền tải một cách phù hợp các nội dung có lựa chọn, đồng thời, thông qua việc tham gia và tương tác trên mạng xã hội, đảng viên kịp thời nắm bắt được thông tin để chủ động phân tích, đánh giá và có hành xử phù hợp./.

Link tham khảo:

  1. https://pamarketing.vn/so-luong-tai-khoan-facebook-tai-viet-nam-thang-8-2021/
  2. https://tinhte.vn/thread/nghien-cuu-20-luong-thong-tin-tren-tiktok-la-tin-gia-hoac-khong-duoc-kiem-chung.3567182

 

 

 

 


  • 23/09/2022 08:15
  • Nguyễn Nam Hà – Chi bộ CNTT&SCADA – Đảng bộ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung
  • 1736


Các Tin khác