Đánh giá tiềm năng điện mặt trời nối lưới ở Việt Nam

Hội thảo tổng kết “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030” vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và đối tác. 

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án Năng lượng Tái tạo và Tiết kiệm Năng lượng (4E) do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương hợp tác triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh  tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất tại Việt Nam đạt ít nhất 07 Gigawatt (GW) vào năm 2020. Tiềm năng này vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW vào năm 2020. Tuy nhiên trong xu thế chi phí đầu tư và tài chính cho các dự án điện mặt trời đang ngày càng giảm, tiềm năng kinh tế có thể đạt mức vài trăm Gigawatt trong giai đoạn 2021 - 2030 khi thị trường bắt đầu phát triển, và vượt xa mục tiêu đã đề ra là 12 Gigawatt vào năm 2030.

Công tác đánh giá do GIZ tài trợ được thực thi bởi Viện Năng lượng Việt Nam với vai trò là đơn vị tư vấn trong nước và Viện Becquerel là đơn tư vấn quốc tế, đã một lần nữa khẳng định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào để phát triển điện mặt trời, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Nam. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, hầu hết các dự án đều đang được triển khai ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau năm 2020, sẽ có nhiều dự án điện mặt trời ở khu vực miền Trung và miền Nam, bao gồm các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ cho biết: Chúng tôi hi vọng rằng báo cáo đánh giá quốc gia này sẽ là một nguồn tham khảo bổ ích cho những nhà hoạch định chính sách và các đối tác khác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bản báo cáo cuối cùng cũng sẽ tổng hợp các ý kiến từ các đại biểu tham gia tại hội thảo ngày hôm nay. Nó đem đến cho các sở ban ngành tỉnh và các nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng điện mặt trời và các địa phương đang phát triển điện mặt trời. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nguồn tài chính cho các dự án điện mặt trời có thể còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, khi thị trường phát triển hơn nữa và chi phí giá thành giảm, tiềm năng phát triển điện mặt trời sẽ tăng lên nhanh chóng.

"Hoạt động đánh giá cũng là một sáng kiến quan trọng bởi nó giúp cho Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, và đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia. Kết quả từ quá trình đánh giá cũng có thể được sử dụng để phát triển cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời ở Việt Nam trong tương lai” - Bà Sonia Lioret nhấn mạnh.

Trong quá trình đánh giá, các chuyên gia đã đi theo cả hai hướng tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên. Kết quả sơ bộ được tính toán bằng phần mềm Hệ thống Thông tin Địa lý (Geographical Information System – GIS), dựa trên các tiêu chí khác nhau như bức xạ mặt trời, sử dụng đất, hệ thống cơ sở hạ tầng đường xá và mạng lưới điện. Chuyên gia cũng tính toán tiềm năng kinh tế thông qua việc trả lời cho câu hỏi: Với biểu giá FIT như hiện nay, những khu vực nào có thể phát triển điện mặt trời?

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định được những dự án điện mặt trời đang được dự kiến triển khai ở các tỉnh. Báo cáo đánh giá cũng đã xác định được các vùng phát triển điện mặt trời và lập danh sách các dự án điện mặt trời cho đến năm 2020.  

Kể từ tháng 4 năm 2017 với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời được phép bán điện với một giá cố định là 9,35 cent Mỹ/kWh lên lưới điện quốc gia. Ngày 12/09/2017, Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT trong đó đưa ra những hướng dẫn cần thiết để triển khai Quyết định này. 


  • 26/01/2018 04:06
  • Theo Báo Công Thương
  • 35498