PV: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới?
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn
|
Ông Nguyễn Tài Sơn: Khủng hoảng thiếu năng lượng đang diễn ra gay gắt tại châu Âu, Trung Quốc. Giá gas, dầu, than đá đã tăng rất cao, do đây là những nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện. Thiếu nhiên liệu, nhiều nhà máy điện phải giảm công suất hoặc đóng cửa, dẫn đến các nước phải tiết giảm điện, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Có thể thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng đã gây ra những tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp, cản trở sản xuất, làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và chuỗi cung ứng trở nên khó khăn.
Tại Mỹ, mặc dù chưa phải là thời điểm nhu cầu sử dụng điện cao nhất của mùa đông, nhưng giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn gấp đôi. 40% điện năng của Hoa Kỳ hiện được tạo ra từ khí đốt, thời gian tới, khi nhu cầu điện tăng cao, có thể tiền điện của người dân sẽ tiếp tục tăng.
Ở Trung Quốc, ngay cả khi chính phủ thúc đẩy tăng cường năng lượng tái tạo, nền kinh tế công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào than đá, khí đốt và dầu mỏ. Và khi các nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại sau thời kỳ đại dịch bùng phát, Trung Quốc không có đủ nhiên liệu, chi phí năng lượng tăng vọt đã trở thành cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế này. Các dự báo mới nhất nhận định, khủng hoảng thiếu năng lượng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 1,5 – 2,5%.
PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến các quốc gia này rơi vào khủng hoảng năng lượng?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Từ các số liệu thực tế, chúng ta có thể thấy khủng hoảng do các nguyên nhân sau đây:
Nguyên nhân trước mắt, do dịch COVID 19 ở các nước đã bắt đầu được kiểm soát, nhu cầu năng lượng tăng cao để khôi phục và phát triển sản xuất. Nguyên nhân sâu xa do nguồn cung năng lượng trên toàn cầu là hữu hạn và phân bố không đều giữa các quốc gia; một số nước có nguồn tài nguyên dồi dào có thể xuất khẩu năng lượng, những nước còn lại phải nhập khẩu năng lượng. Khi có yếu tố kinh tế - chính trị can thiệp vào việc xuất - nhập khẩu, tất yếu sẽ dẫn đến thiếu nguồn cung.
Bên cạnh đó, chính sách năng lượng của một số quốc gia có thể chưa phù hợp khi vội vã chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) với tỷ lệ chưa hợp lý. Các nước châu Âu và Trung Quốc đã giảm nguồn năng lượng truyền thống (các nhà máy nhiệt điện than) và tăng nhanh các nguồn năng lượng gió, mặt trời. Điều này dẫn đến hệ thống điện không đáp ứng đủ nhu cầu khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
PV: Từ cuộc khủng hoảng này ở các quốc gia trên thế giới, theo ông các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần làm gì để “tránh vết xe đổ” trên?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Các nhà hoạch định chính sách cần phải đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung trước mắt và lâu dài, xác định cơ cấu nguồn hợp lý, sử dụng chính sách giá mua điện để kích thích hoặc hạn chế đầu tư loại nguồn điện. Có thể nói, đây là giải pháp tổng hợp liên quan đến khả năng của nguồn cung cấp, độ tin cậy của đối tác và chi phí của hệ thống; khai thác tối ưu các nguồn năng lượng trong nước hiện có, bao gồm cả chính sách tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
PV: Có ý kiến cho rằng để tránh khủng hoảng năng lượng, đặc biệt lĩnh vực điện, bất cứ quốc gia nào cũng cần phải chủ động nguồn cung. Vậy theo ông, Việt Nam cần có hướng phát triển loại hình nguồn điện nào?
Ông Nguyễn Tài Sơn: Chủ động nguồn cung luôn là chiến lược để cung cấp năng lượng cho quốc gia, tuy nhiên vấn đề này hiện đang còn nhiều tranh cãi.
Theo tôi, để chủ động nguồn cung, trước hết về mặt tổng quan cần đánh giá lại khả năng các nguồn cung trong và ngoài nước, sau đó là xác định chi phí khai thác tối ưu trong điều kiện đảm bảo an ninh năng lượng đối với từng nguồn và từng loại năng lượng. Việt Nam hiện là đất nước nhập khẩu năng lượng do các nguồn năng lượng trong nước không đủ cho nhu cầu, do đó xác định được nguồn cung ổn định là rất quan trọng.
Chúng ta cần xã hội nhận thức lại về các nguồn năng lượng hiện tại, tránh tư tưởng cực đoan. Ví dụ không ít người cho rằng chỉ có điện mặt trời, điện gió mới tốt, mới văn minh. Đó là quan điểm cực đoan vì nguồn năng lượng nào cũng đều có hai mặt.
Nhà máy nhiệt than là nguồn phát điện rất ổn định với chi phí thấp. Mọi người thường nghĩ trở ngại chính là yếu tố phát thải carbon, song thực tế, tỷ lệ nhiệt điện than trong hệ thống của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng do phụ thuộc vào nguồn cung cấp than ngắn hạn (kinh nghiệm từ một số nhà máy nhiệt điện than của châu Âu và Trung Quốc phải đóng cửa do thiếu than). Nhiệt điện khí có ưu điểm là nguồn phát điện ổn định, nhưng cũng phụ thuộc vào nguồn cung ngắn hạn từ bên ngoài.
Nguồn thủy điện có chi phí và ảnh hưởng môi trường thấp, nhưng trữ năng không còn nhiều. Tuy nhiên, thủy điện vẫn chưa được khai thác hết, do xã hội còn nhiều định kiến vô căn cứ như thủy điện gây lũ lụt, hạn hán. Vì vậy, cần phải có chính sách truyền thông đúng đắn để thay đổi định kiến này. Có thể thấy, các nước phát triển hiện nay đều khai thác triệt để nguồn thủy điện, các thủy điện có hồ chứa lớn không những phát huy khai thác điện tốt mà còn là giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Năng lượng gió và mặt trời có chí phí tương đối đắt, vì phải đầu tư cho nhà máy và hệ thống tích trữ năng lượng, đồng thời chí phí cho môi trường cũng rất lớn. Tôi cho rằng, hiện nay năng lượng gió và mặt trời ở Việt Nam chưa phải là một nguồn điện hoàn chỉnh. Có nghĩa là, chúng ta vẫn cần phải khai thác nguồn điện khác vào những thời điểm không thể phát năng lượng gió và mặt trời. Kinh nghiệm của các nước đã xảy ra khủng hoảng nói trên cho thấy, tỷ lệ của các nguồn năng lượng tái tạo chỉ nên dưới 10% trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, chúng ta không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn điện “đỏng đảnh” gió và mặt trời.
Trong bối cảnh này, cần tính đến xây dựng các hệ thống tích trữ năng lượng, nhà máy thủy điện tích năng, mở rộng các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, việc sử dụng giải pháp nào cũng phải cân nhắc rất kỹ về chi phí đầu tư cũng như tác động môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!