Ông Bùi Phương Nam
|
PV: Ban QLDA Điện 1 đã triển khai các công việc như thế nào để có thể đảm bảo tiến độ khởi công Dự án?
Ông Bùi Phương Nam: Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là một trong các dự án trọng tâm do EVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 1 quản lý, điều hành. Ngày 24/9/2020, HĐTV EVN đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình. Thủ tục quan trọng nhất là lựa chọn được nhà thầu thi công và lắp đặt thiết bị có giá trị hơn 3.100 tỷ đồng đã được Ban QLDA Điện 1 ký kết với liên danh nhà thầu gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Xây dựng 47 và Công ty Cổ phần LILAMA 10 vào ngày 15/12/2020.
Bên cạnh đó, Ban đặc biệt quan tâm đến khâu chuẩn bị mặt bằng thi công và chuẩn bị nhân sự Ban điều hành Dự án. Trước khi Dự án đầu tư được duyệt, Ban QLDA đã tích cực thực hiện khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB). Ban đã ký các hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hòa Bình và tỉnh Hòa Bình thực hiện công việc này. Lãnh đạo, cán bộ chuyên viên của Ban thường xuyên bám địa bàn, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, thực hiện đo đạc, kiểm đếm…, lập các phương án cụ thể, chi tiết về BT-GPMB, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về nhân sự, từ tháng 10/2019, Ban đã thành lập Ban điều hành dự án với cơ cấu tổ chức và nhân sự cụ thể, phù hợp với điều kiện và nội dung công việc.
PV: Dự án được xây dựng trong khuôn viên NMTĐ Hòa Bình hiện hữu - là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Vậy để đảm bảo an toàn công trình hiện hữu, vấn đề thiết kế, thi công dự án được Ban QLDA Điện 1 quan tâm như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Phương Nam: Các hạng mục của Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng nằm thuộc hành lang an toàn và bảo vệ an ninh của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Chính vì vậy, về thiết kế, thi công đã được Ban QLDA Điện 1 quan tâm ngay từ khi được EVN giao quản lý dự án, trong đó, việc lập dự án và thiết kế được chú trọng ngay từ các khâu khảo sát, lựa chọn tuyến, bố trí công trình, quy hoạch tổng mặt bằng thi công, tìm vị trí bãi thải, giải phóng mặt bằng… đặc biệt yêu cầu cán bộ tham gia quản lý Dự án phải có kinh nghiệm, các tư vấn phụ phục vụ các báo cáo chuyên ngành phải có sự trợ giúp của tư vấn nước ngoài (HPI, Nga).
Trong quá trình thi công, Ban QLDA Điện 1 đã đưa ra một số giải pháp về thiết kế để đảm bảo an toàn các công trình hiện hữu như lựa chọn vị trí cửa lấy nước, nhà máy đảm bảo khối lượng đào nhỏ nhất, không tác động đến các công trình hiện hữu; Lựa chọn kích thước đường hầm tối thiểu, nhưng vẫn đảm bảo điều kiện vận hành tổ máy an toàn; Lót thép gia cố đường hầm tại những nơi có đứt gẫy, điều kiện địa chất kém; bố trí tường bê tông - sét và hầm tiêu thoát nước đảm bảo giảm khả năng thẩm thấu sang phía Đông đồi Ông Tượng.
Cùng với đó, Ban QLDA Điện 1 cũng đã tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật, Hội đồng tư vấn an toàn đập trên bậc thang sông Đà, các chuyên gia trong và ngoài EVN, trên cơ sở đó đã tiến hành hiệu chỉnh thiết kế, đảm bảo an toàn cho công trình hiện hữu.
PV: Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia cũng như HĐTV Tập đoàn quan tâm là an toàn khi nổ mìn thực hiện dự án. Ban QLDA Điện 1 triển khai công việc ra sao thưa ông?
Ông Bùi Phương Nam: Việc nổ mìn đào hố móng công trình với trên 2 triệu m3 đá là một trong vấn đề được quan tâm nhất. Trong hồ sơ thiết kế đã tính toán và yêu cầu chi tiết cho việc nổ mìn theo quy định (QCVN 01:219) đảm bảo an toàn cho các công trình hiện có và đã tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (Nga, Mỹ...). Trong hồ sơ thiết kế và hồ sơ mời thầu, gói thầu xây lắp đều quy định nhà thầu nổ thử nghiệm các vụ nổ quy mô từ nhỏ đến lớn dần, đánh giá ảnh hưởng và đưa ra các giải pháp để các bên thực hiện và giám sát với mục tiêu cao nhất đảm bảo an ninh, an toàn công trình hiện hữu.
PV: Xin cảm ơn ông!