Điện: Giúp xóa đói, giảm nghèo ở Tây Nguyên
10:25, 10/10/2011
Ông Nguyễn Công Sơn - Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vui vẻ kể: “Hầu hết 1.520 hộ dân của xã đều đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Bà con đã được sử dụng nồi cơm điện, quạt máy…, gần như thôn nào cũng có máy xay xát chạy điện, lại được xem qua tivi các chương trình phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi rất hữu ích, dân bản mừng lắm...”.
Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện thuộc các tỉnh Tây Nguyên đã được triển khai tại 852 thôn buôn. Đến nay, sau thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Tại tỉnh Gia Lai, có 25.964 hộ của 326 thôn, buôn, làng được hưởng lợi từ dự án. Từ khi có điện ổn định, người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, sự thay đổi đáng kể là nhờ có điện, người dân đã khai thác được nguồn nước ngầm trong lòng đất để tưới tiêu cho cà phê, cao su, sắn… Từ khi có điện, tại các xã vùng sâu vùng xa này đã có nhiều cơ sở thu mua, chế biến nông sản tại chỗ tiêu thụ khá lớn lượng nông sản của bà con, tránh bị tư thương ép giá như trước đây.
Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện thuộc các tỉnh Tây Nguyên:
• Tổng mức đầu tư 1.121 tỷ đồng.
• Xây dựng 1.453 km đường dây trung áp, 1.338 km đường dây hạ áp, 803 TBA,
• Trang bị công tơ, nhánh rẽ và mạng điện sau công tơ cho 63.286 hộ dân
|
|
Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện của tỉnh Kon Tum hoàn thành vào cuối năm 2010. Tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng cấp điện cho 97 thôn, làng với gần 4.000 hộ dân trên địa bàn. Khi chưa có điện, mỗi mùa khô đến bà con lại bị ám ảnh với nỗi lo thường trực thiếu nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày, tưới tiêu cho cây trồng. Anh A Si (thôn Plây Wăk 2, xã Đăk Năng) kể: “Lúc trước, để ươm cây giống trồng 1 ha cao su, vợ chồng tui phải quần quật đi gùi nước ở suối Đăk Pren, xa cả mấy cây số, khổ cực lắm. Chừ có điện rồi, chỉ cần đóng máy bơm là nước dùng thoải mái. Nhờ có đầy đủ nước tưới nên nhà tui mở rộng trồng thêm được 3 ha cao su, 1 ha sắn, 3 sào lúa nước. Mỗi năm, dành dụm được gần 10 triệu đồng từ tiền bán nông sản”.
Già làng Rơ Châm Jú (70 tuổi, làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) chia sẻ: “Bà con rất biết ơn Nhà nước và ngành Điện đã đem ánh sáng đến đây. Nhờ có điện mà dân bản thoát được đói nghèo, lạc hậu. Già luôn nhắc nhở mọi người phải lo làm ăn, cho con cái đến trường học lấy cái chữ mới tiến bộ được, đặc biệt phải bảo vệ tuyệt đối lưới điện, không được trộm cắp, phá hoại nó. “Cái điện” không sáng nữa thì bà con sẽ khổ”.
Chính nhờ nhận thức như vậy nên giữa ngành Điện và đồng bào dân bản đã tạo được mối quan hệ gắn kết sâu đậm nghĩa tình. Anh Nguyễn Đức Thắng (Điện lực Chư Păh, PC Gia Lai) cho biết: “Đồng bào ở đây thật thà, chất phác và rất quý anh em làm trong ngành Điện. Chúng tôi rất mừng khi đồng bào tự giác cao trong việc bảo vệ lưới điện. Khi có sự cố về điện, dù đang bận bịu người dân cũng tìm mọi cách nhanh chóng báo cho ngành Điện biết để kịp thời xử lý”.
|
Công nhân điện kiểm tra công tơ và đường dây nhánh rẽ vào nhà dân - Ảnh: Thiên Trường. |
Giữa nơi núi rừng heo hút, giờ đây những cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột sắn, mủ cao su… tiêu thụ sản phẩm ngay tại chỗ cho nông dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, giúp cho đời sống của người dân trên mảnh đất Tây Nguyên vốn nổi tiếng anh hùng trong kháng chiến dựng nước và giữ nước ngày càng ấm no hơn.
Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QL&HN
Share