Điện hạt nhân tại Việt Nam: An toàn trong từng dự án thành phần

07:06, 20/02/2013

Đảm bảo an ninh an toàn luôn là chủ đề nóng khi đề cập đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Là chủ đầu tư 6/10 dự án thành phần quan trọng thuộc dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang nỗ lực trong từng dự án, chuẩn bị mọi tiền đề cần thiết trước khi khởi công dự án Điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

EVN - nỗ lực trong từng dự án

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã xác định tầm quan trọng của điện hạt nhân trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng cho điện hạt nhân.

Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước Dự án  Điện hạt nhân Ninh Thuận, các bộ, ngành và sự ủng hộ của tỉnh Ninh Thuận, với tư cách là chủ đầu tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần thuộc Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đảm bảo an toàn luôn là chủ đề nóng khi đề cấp đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Đến cuối năm 2012, Nhà thầu Liên danh E4-KIEP-EPT (CHLB Nga) và Công ty Điện tử Nhật Bản (JAPC) đã cơ bản hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 và tiếp tục phân tích, xử lý số liệu, tài liệu phục vụ lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Hồ sơ dự án đầu tư đối với dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2.

Đối với dự án kết cấu hạ tầng phục vụ thi công các dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4 (EVN PECC4) đã hiệu chỉnh dự án đầu tư, Bộ Công Thương đã có ý kiến về thiết kế cơ sở, tháng 1/2013 EVN đã tổ chức thẩm định phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết I: 500 xây dựng khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tư vấn đang triển khai khảo sát, lập dự án đầu tư Trung tâm Quan hệ công chúng về điện hạt nhân. Riêng dự án đào tạo nguồn nhân lực cho Nhà máy Điện hạt nhân  Ninh Thuận, trong năm 2012 đã cử 70 sinh viên sang Nga học đại học chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó có 24 sinh viên của Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết: “Các công việc đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các đơn vị triển khai quyết liệt, đáp ứng yêu cầu về mặt pháp lý, khoa học công nghệ và tiến độ nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Sự hỗ trợ tích cực của quốc tế

Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, vì vậy Việt Nam luôn tăng cường mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước có ngành công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Liên bang Nga, Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân, trong thời gian qua, IAEA đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân như: Cung cấp thiết bị, chuyển giao phần mềm tính toán, đào tạo cán bộ trên các lĩnh vực, nghiên cứu công nghệ và phân tích đánh giá an toàn, quy hoạch năng lượng, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở pháp lý, tham gia thực hiện các điều ước quốc tế về hạt nhân…

Gần đây nhất vào đầu tháng 12/2012, Đoàn công tác của IAEA về đánh giá kết cấu hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR) do ông Park Jong Kyun - Giám đốc Phòng Điện hạt nhân làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại Việt Nam, đánh giá hiện trạng và yêu cầu theo 19 nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng ĐHN đã được IAEA hướng dẫn. Đồng thời, IAEA còn hỗ trợ tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam, EVN về những vấn đề cần thực hiện tiếp theo để phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân Việt Nam, nhằm đạt được các yêu cầu của giai đoạn 2. Điều đó thể hiện vai trò hỗ trợ hiệu quả của IAEA đối với Việt Nam trong việc phát triển điện hạt nhân, đồng thời thể hiện sự tích cực chuẩn bị của các cơ quan Việt Nam trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng điện hạt nhân phục vụ Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Là đối tác chính trong Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ông S.A.Boyarkin – Giám đốc các Chương trình đầu tư cơ bản của Rosatom (Nga) cũng cho biết, sẽ hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam đảm bảo an toàn cao nhất cho quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy. “Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ mới nhất cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đảm bảo trong mọi trường hợp xảy ra sự cố như động đất, sóng thần… chất phóng xạ vẫn được lưu trữ an toàn trong Nhà máy và không bị rò rỉ ra ngoài môi trường. Đồng thời, Rosatom sẽ hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và cải tiến những công nghệ cần thiết khác cho Nhà máy” , ông S.A.Boyarkin khẳng định. 

Dự kiến năm 2013:

- Hoàn thành dự án đầu tư Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 vào tháng 12/2013;

- Hoàn thành dự án đầu tư Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 vào tháng 5/2013, tổ chức thẩm tra, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Lập thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công các hạng mục công trình phục vụ thi công dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1&2 như: Đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước;

- Hoàn thành dự án đầu tư khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban QLDA; Trung tâm Quan hệ công chúng về ĐHN (PRC) để trình duyệt.

- Hoàn thành phê duyệt dự án Đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2013 – 2020.

 


Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập

Share