Ảnh: Elemental Energy Corp., Andy Stenz
|
Trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon gây ra biến đổi khí hậu, ngành điện đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các nguồn điện không phát thải. Một báo cáo đăng trên Tạp chí Năng lượng Mặt trời cho thấy các nguồn điện không phát thải chiếm khoảng 38% tổng lượng điện toàn cầu vào cuối năm 2022. Các nguồn này gồm có năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, hạt nhân và các nguồn không phát thải khác.
Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn trong tổng sản lượng điện của thế giới mỗi năm, nhưng con số đó đang giảm dần.
Mặc dù gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng và thương mại trên toàn cầu, nhưng năng lượng mặt trời vẫn đóng góp lớn nhất vào công suất phát điện mới toàn cầu năm thứ hai liên tiếp (tính đến hết năm 2022). Các nguồn năng lượng phi hóa thạch chiếm 85% tổng công suất phát mới trên toàn thế giới, trong đó năng lượng mặt trời chiếm khoảng hai phần ba. Chỉ riêng năng lượng mặt trời đã đóng góp 56% tổng công suất mới.
Năng lượng mặt trời đang phát triển nhanh chóng. Chỉ trong năm 2022, công suất điện mặt trời mới lắp đặt trên toàn cầu đã bằng 25% tổng công suất tích lũy có từ trước tới nay. Trước đây, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 3,6% tổng lượng điện phát ra trên toàn thế giới, nhưng đến năm 2022, con số này đã tăng lên đến khoảng 4,5%. Điều này cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời, và xu hướng này dường như sẽ không có dấu hiệu chậm lại.
DNV, một công ty bảo hiểm rủi ro toàn cầu kỳ vọng tới năm 2050 cơ cấu năng lượng thế giới sẽ phụ thuộc 70% vào các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ chiếm hơn 10% cơ cấu năng lượng vào thời điểm đó.
Sarah Kurtz, thành viên của Trung tâm Quang điện Quốc gia của NREL và là giáo sư tại Đại học California, Merced, cho biết: “Thật ấn tượng khi thấy năng lượng mặt trời đang thống trị thị trường hiện tại. Có thể các nguồn năng lượng không có carbon sẽ sớm cung cấp gần như toàn bộ công suất phát mới của chúng ta.”