Nhiều nơi trên thế giới đang trải qua tháng 7 ngột ngạt với mức nhiệt độ cao kỷ lục. Thành phố Phoenix của tiểu bang Arizona liên tục ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trên 110F (43,3C), trong khi Thung lũng Chết ở California cũng trải qua mức nhiệt cao nhất lịch sử. Một sân bay ở vùng duyên hải Iran ghi nhận chỉ số nhiệt 66°C, còn thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng trải qua chuỗi ngày có nền nhiệt 35°C kéo dài.
Các đợt nắng nóng gay gắt đã trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn do hậu quả của khủng hoảng khí hậu - một xu hướng được cho là sẽ tiếp tục và có thể trở nên tồi tệ hơn tương ứng với tốc độ tiêu thụ hóa thạch của con người.
Để tránh nóng, nhà nhà người người đang sử dụng điều hòa không khí liên tục. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, số lượng đơn vị điều hòa trên toàn cầu có thể tăng 244% vào năm 2050 và nhu cầu có thể tăng 59% ở Hoa Kỳ, theo phân tích năm 2020 của nhóm nghiên cứu độc lập Climate Central.
Khả năng tiếp cận điều hòa đã cứu nhiều mạng sống. Thống kê cho thấy nhiệt độ cao tại Mỹ là hình thức thời tiết cực đoan gây tử vong nhiều nhất. Ngược lại, điều hòa cũng đi kèm nhiều nhược điểm có thể dẫn tới thời tiết cực đoan hơn.
Hàng tỉ người không có điều hòa và chi phí năng lượng ngày một tăng cao
Chi phí mua và vận hành điều hòa luôn ở mức cao, khiến nó nằm ngoài tầm với của cộng đồng người nghèo. Theo báo cáo tại Mỹ, các hộ gia đình thu nhập thấp thường khó tiếp cận công nghệ này. Nghiên cứu năm 2019 cho thấy 1,8-4,1 tỉ người ở các quốc gia đang phát triển không có khả năng sở hữu điều hòa, dù đây là những quốc gia thường xuyên đối mặt với cái nóng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Narasimha Rao, giáo sư về hệ thống năng lượng tại Đại học Yale, đồng tác giả của bài báo cho biết: “Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi lo ngại rằng những người cần điều hòa nhất lại không thể sở hữu chúng".
Việc sử dụng điều hòa cũng gây áp lực lên lưới điện. Điều đó có thể gây rủi ro: nếu một đợt nắng nóng kéo dài 5 ngày và tình trạng mất điện toàn thành phố Phoenix cùng thời điểm, hơn 50% dân số 1,4 triệu người dân của thành phố có thể phải vào phòng cấp cứu, theo một nghiên cứu gần đây.
Nhiều công ty đang cố gắng phát triển các mẫu máy điều hòa không khí có giá phải chăng hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn. Tuy nhiên, có một vấn đề khác: máy điều hòa không khí làm trái đất nóng lên.
Các thiết bị này thường sử dụng rất nhiều năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng Liên chính phủ, từ nay đến năm 2050, các công nghệ làm mát được dự đoán là yếu tố góp phần lớn nhất vào nhu cầu năng lượng ngày càng tăng - một vấn đề lớn bởi hầu hết năng lượng toàn cầu hiện nay đều đến từ nhiên liệu hóa thạch. Dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights cho thấy , Hoa Kỳ đã phá kỷ lục về mức tiêu thụ khí đốt hàng ngày vào mùa hè và việc sử dụng điều hòa là nguyên nhân chính.
Đa số điều hòa cũng sử dụng hóa chất có thể gây ấm lên toàn cầu, phổ biến nhất là HFC. Đây là loại khí nhà kính mạnh, có khả năng giữ nhiệt hiệu quả gấp hàng nghìn lần so với CO2.
Một số máy điều hòa không khí sử dụng chất làm lạnh hydrofluoroolefin (HFO) thân thiện với khí hậu hơn, mặc dù những chất này vẫn có thể gây hại cho hệ sinh thái . Các chất thay thế khác bao gồm amoniac và propan, tuy nhiên cả hai đều có thể gây hại cho con người nếu bị rò rỉ.
Một số giải pháp đang được áp dụng để hạn chế tác động môi trường, như sử dụng khí làm mát R-32 ít gây hại hơn HFC, cũng như làm mát ngôi nhà bằng những phương án không sử dụng điều hòa.
Các chuyên gia nói rằng bằng cách sử dụng các chiến lược khác để giảm nhiệt độ trong nhà, chúng ta có thể giảm bớt tác hại của điều hòa không khí đối với môi trường, cho phép mọi người được mát mẻ mà không làm hành tinh nóng lên.
Có thêm nhiều công nghệ làm lạnh tiết kiệm điện
Một trong những công nghệ điều hòa không khí nổi tiếng nhất là máy bơm nhiệt điện, có thể vừa sưởi ấm vừa làm mát. Vào những ngày nắng nóng, các thiết bị này sẽ bơm không khí nóng ra và hút không khí mát vào.
Những công nghệ này tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với điều hòa không khí truyền thống. Chúng cũng cần ít chất làm lạnh hơn để hoạt động.
Máy điều hòa nhiệt độ và máy bơm nhiệt truyền thống đều làm mát ngôi nhà bằng cách trực tiếp hạ thấp nhiệt độ không khí và hút hơi ẩm ra khỏi không khí, điều này có thể làm cho căn phòng trở nên dễ chịu hơn.
Các công nghệ phổ biến khác có thể đóng vai trò chính trong việc làm mát ngôi nhà. Rao, giáo sư Đại học Yale cho biết, quạt thường rẻ và tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều so với điều hòa. Chúng cũng có thể mang lại hiệu quả đáng ngạc nhiên, đặc biệt là trong môi trường khô, nóng.
Ông nói: “Trong một số trường hợp, quạt có thể giúp nhiệt độ phòng giảm tới 2 độ C".
Máy hút ẩm cũng có tác dụng làm mát, nhất là với khu vực có thời tiết oi nóng. "Tại quê hương Mumbai, nhà tôi rất oi nóng, nhưng khi xuống tầng hầm, vốn không có điều hòa và chỉ có máy hút ẩm, không khí mát mẻ và dễ chịu hơn rất nhiều", ông nói.
Trong điều kiện nóng và khô, một công nghệ năng lượng thấp hữu ích khác là quạt hơi nước. Các thiết bị này sử dụng quạt để tuần hoàn không khí qua vật liệu ẩm, mát và sau đó phân tán không khí mát, với độ ẩm nhất định ra xung quanh. Giống như máy hút ẩm và quạt, quạt hơi nước tiết kiệm chi phí và năng lượng hơn, đồng thời thiết bị này cũng được bán rộng rãi.
Các tòa nhà cũng có thể được thiết kế tốt hơn để giảm nhiệt độ.
Vivek Shandas, giáo sư địa lý tại Đại học bang Portland, người nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu ở các khu vực đô thị, cho biết một chiến lược quan trọng là chống thời tiết.
“Chúng ta thường đặt điều hòa vào các ngôi nhà cũ mà không thực hiện bất kỳ biện pháp chống thời tiết nào như cách nhiệt hoặc bịt kín các vết nứt trên cửa sổ và cửa ra vào nơi nhiệt độ cực cao bên ngoài có thể tràn vào”, anh ấy nói. Do đó, người dân cuối cùng buộc phải điều chỉnh điều hòa ở mức công suất cao nhất để giảm nhiệt độ trong nhà.
Shandas cho biết, thực hiện các biện pháp này sẽ làm giảm lượng điều hòa cần thiết để duy trì môi trường thoải mái, dẫn đến hóa đơn năng lượng và khí thải nhà kính thấp hơn.
Một số ngôi nhà cũng được xây dựng bằng vật liệu hấp thụ nhiệt cao. Shandas cho biết cư dân sống trong những ngôi nhà có mái bằng thép hoặc tôn, thường bị ảnh hưởng nhiều nhất trước mức nhiệt độ cao kỷ lục như hiện tại.
Rao cho biết, ở Nam Á và các khu vực khác ở Nam bán cầu, mái nhà bằng kim loại - thường xuất hiện ở các khu ổ chuột - rất phổ biến vì chúng không đắt.
Ông nói: “Một tấm nhôm trên mái nhà là điều tồi tệ nhất trong những ngày nắng gắt".
Những ngôi nhà – đặc biệt là mái nhà – cũng có thể được sơn màu trắng để giảm nhiệt độ trong nhà. Theo Bộ Năng lượng, các sản phẩm mái nhà màu trắng thường có tác dụng làm mát tốt nhất bởi chúng phản xạ từ 60 đến 90% ánh sáng mặt trời. Các tòa nhà cũng có thể được thiết kế với hệ thống thông gió hiệu quả để giảm nhiệt độ. Ví dụ, giếng trời có thể được xây dựng để hút gió mát vào trong nhà đồng thời đặt ao nước bên dưới cũng khiến phương pháp chống nóng này hiệu quả hơn đáng kể.
Bóng râm thì sao?
Shandas cho biết, một hành động đơn giản là kéo rèm cửa lại cũng có thể giúp giảm nhiệt độ trong nhà. Người dân có thể sử dụng chiến lược tương tự bằng cách trồng cây khắp các khu phố.
Shandas cho biết: “Chúng tôi biết rằng những khu dân cư có nhiều cây cối có thể mát hơn tới 15 độ so với những khu vực không có cây xanh".
Cây cối và các loại thực vật khác cũng có thể được trồng trên mái nhà để giúp tòa nhà có khả năng cách nhiệt hiệu quả hơn. Shandas cho biết thêm , những chiến lược này đặc biệt hữu ích ở khu đô thị, nơi gạch ngói và bê tông đang là những nguyên nhân chính khiến ngôi nhà hấp thụ lượng nhiệt từ ngoài trời.
Liệu chúng ta có thể loại bỏ điều hòa?
Các chuyên gia nói rằng thế giới loại bỏ hoàn toàn điều hòa sẽ rất nguy hiểm. "Có những nơi trên Trái Đất mà con người không thể sống thiếu điều hòa", Rao nói. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp thay thế linh hoạt để làm mát có thể giảm đáng kể chi phí và phát thải, đồng thời hạn chế phản ứng dây chuyền của thiết bị này. Tại những nơi đông dân cư, điều hòa chạy liên tục có thể làm nhiệt độ bên ngoài tăng thêm 1°C.
Shandas cho biết các phương pháp tránh nóng khác nhau sẽ phù hợp với từng tình huống cụ thể. Và trong một số trường hợp, nhiều giải pháp nên được áp dụng cùng một lúc.
Shandas chia sẻ: “Sẽ không có thuốc thần giải quyết triệt để tình trạng nắng nóng khắc nghiệt hiện nay. Cần xây dựng hàng loạt giải pháp có thể chấp nhận về mặt xã hội và chính trị, cũng như bảo đảm bền vững lâu dài”.
Link gốc