Giảm giá điện trong 3 tháng sẽ giúp các các doanh nghiệp sản xuất giảm bớt khó khăn trong mùa dịch - Ảnh: M. Hương
|
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản VISSAN (TP. Hồ Chí Minh)
Bù đắp phần nào chi phí cho doanh nghiệp
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm, mà còn làm tăng các chi phí sản xuất.
Với VISSAN, dịch bệnh khiến trường học đóng cửa, người dân hạn chế ra đường, hạn chế đi siêu thị, trung tâm thương mại... nên lượng sản phẩm tiêu thụ ở những kênh này giảm mạnh. Thay vào đó, người dân chuyển sang sử dụng thương mại điện tử, mua hàng online. Để phục vụ khách hàng tận nơi, Công ty phát sinh thêm chi phí giao hàng. Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách 2m theo quy định cũng gia tăng thêm các chi phí sản xuất. Cụ thể, do phải giảm số lượng công nhân để đảm bảo quy định phòng dịch, Công ty phải tăng số ca sản xuất lên.
Chính vì vậy, việc giảm 10% giá điện trong ba tháng đã bù đắp phần nào chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Với chi phí tiền điện khoảng 2,1 tỷ đồng/tháng, Công ty VISSAN sẽ tiết kiệm được khoảng 600 triệu đồng trong cả ba tháng.
Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (TP. Đà Nẵng):
Giảm 10% giá điện là bất ngờ
Quá trình phát triển lớn mạnh trong thời gian qua của công ty chúng tôi có dấu ấn đóng góp rõ nét của ngành Điện. Việc phát triển công ty, mở rộng sản xuất giấy và bao bì đều gắn liền với việc tăng nhu cầu sử dụng điện. Tới nay, chúng tôi sử dụng điện từ 7 TBA với tổng dung lượng 4.500 kVA. Mỗi tháng, tiền điện của công ty dao động từ 2-3 tỷ đồng. Như vậy, với mức giảm 10% giá điện, ước tính trong 3 tháng, số tiền chúng tôi được hỗ trợ sẽ khoảng 600 – 900 triệu đồng. Tôi rất bất ngờ vì không nghĩ sẽ được giảm giá điện nhiều đến thế.
Tôi biết rằng ngành Điện không có nhiều lợi nhuận, nên mức giảm 10% giá như vậy là rất lớn. Đây là sự chia sẻ ý nghĩa của ngành Điện với doanh nghiệp trong khó khăn dịch bệnh. Bên cạnh đó, tôi cũng rất ghi nhận nỗ lực cung cấp điện ổn định của ngành Điện. Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, thiết bị của công ty tôi có xảy ra sự cố, gây mất điện. Chỉ 30 phút sau khi gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng nhờ hỗ trợ, Điện lực Liên Chiểu – PC Đà Nẵng đã nhanh chóng hỗ trợ khắc phục. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất liên tục trong mọi hoàn cảnh.
Ông Lê Xuân Phúc - Phó phòng Cơ điện Công ty Than Hạ Long (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh):
Giảm khoảng nửa tỷ đồng tiền điện mỗi tháng
Với quy mô khai thác khoảng 110.000 tấn than/tháng, hiện toàn công ty tiêu thụ bình quân 2,7 - 3 triệu kWh/tháng, với chi phí tiền điện khoảng 5 - 6 tỷ đồng/tháng. Với chính sách giảm giá điện này, 3 tháng tới chúng tôi tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng.
Dịch COVID-19 đã khiến công ty phải tăng rất nhiều chi phí trong sản xuất để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Nếu như trước đây, mỗi chuyến xe chở khoảng 40 công nhân, thì hiện phải giảm 50% số người/chuyến. Số chuyến xe vì vậy phải tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, công ty cũng phải đầu tư các trang thiết bị y tế để phòng dịch như khẩu trang, nước diệt khuẩn, xịt khuẩn, đo thân nhiệt… cho người lao động.
Nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian tới, Công ty Than Hạ Long sẽ đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, bên cạnh việc thực hiện kiểm toán năng lương theo quy định, hàng năm, công ty đều đầu tư những thiết bị nhằm tiết kiệm điện như khởi động mềm, biến tần, thiết bị điều chỉnh giờ đóng/tắt điện theo từng giờ; lắp đặt đèn led tại các khu vực chiếu sáng công nghiệp… Đồng thời, tuyên truyền cho CBNV nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bà Ngô Thị Thúy – Giám đốc Khách sạn Bưu Điện (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh):
Động lực để doanh nghiệp vượt khó
Khách sạn chúng tôi có 110 phòng. Trước đây, khách sạn luôn đạt 80 - 85% công suất phòng, vào cao điểm mùa du lịch thì luôn kín phòng. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn ra khiến hoạt động du lịch bị đình trệ, hoạt động kinh doanh của khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ ngày 13/3/2020, Khách sạn Bưu điện thực hiện nhiệm vụ là khu cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cao điểm nhất, khách sạn đón khoảng 100 người cách ly.
Trước đây, chi phí tiền điện của chúng tôi khoảng 40 - 50 triệu đồng điện/tháng. Còn trong tháng đầu tiên thực hiện nhiệm vụ cách ly, chi phí này là 13 triệu đồng.
Là cơ sở lưu trú du lịch thực hiện nhiệm vụ cách ly, nên khách sạn chúng tôi vừa được giảm giá điện từ giá kinh doanh xuống mức giá dành cho khách hàng sản xuất, vừa được giảm 20% tiền điện. Được hỗ trợ trong lúc khó khăn, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Đây cũng sẽ là động lực để Khách sạn Bưu điện cũng như các doanh nghiệp khác vượt khó.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ – Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Minh Quang (huyện Hóc Môn, TP.HCM):
Chủ trương giảm giá điện rất kịp thời
Trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn chung do dịch bệnh COVID-19, chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành Điện về giảm tiền điện, giảm giá điện là rất kịp thời.
Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nước giải khát, COVID-19 đã khiến doanh thu của Công ty Minh Quang giảm 30 - 40%/tháng. Nguyên nhân là các kênh phân phối hầu như phải đóng cửa; các kênh đại lý, siêu thị vẫn hoạt động nhưng lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Với tiền điện hàng tháng khoảng 25-30 triệu đồng, được giảm 10% giá điện trong ba tháng với chúng tôi là một điều tuyệt vời. Tuy số tiền không quá nhiều nhưng trong khó khăn, chúng tôi thấy được sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, của ngành Điện đến doanh nghiệp.
N. Hương - M. Hương
Share