Đồng phát năng lượng tại nhà máy mía đường: Rào cản nào?

Được đánh giá là có tiềm năng lớn, tuy nhiên, các dự án đồng phát năng lượng tại các nhà máy mía đường hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy đâu là rào cản cho sự phát triển nguồn điện từ bã mía ?

2,8 tỉ kWh vào năm 2030    

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay cả nước có 41 nhà máy đường, với quy mô tiêu thụ 155.000 tấn mía/ngày. Bã mía có thể sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh khối, phục vụ nhu cầu sử dụng điện của chính nhà máy và hòa lưới quốc gia. Trong niên vụ 2016-2017, đã có 8/41 nhà máy đường đã đưa lên nối lưới, với tổng công suất nối lưới là 99,8 MW, sản lượng điện năng bán nối lưới đạt trên 186,3 triệu kWh.

Hiện ngành mía đường Việt Nam đang xây dựng Đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía trong ngành mía đường. Nếu có giải pháp đồng bộ, thực hiện tái cơ cấu hiệu quả thì đến năm 2030, cả nước sẽ có 40 triệu tấn mía; điện năng sản xuất từ bã mía có thể đạt 4,7 triệu MWh, tương ứng công suất phát điện 1.600 MW, lượng điện thương phẩm lên lưới có thể đạt trên 2,8 tỉ kWh. 

Ông Phạm Quốc Doanh chia sẻ: Cơ cấu nguồn điện ở Việt Nam có tỷ trọng thủy điện lớn, nhưng vào mùa khô, công suất phát điện của các nhà máy thủy điện xuống thấp. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm sản xuất điện của các nhà máy mía đường. Do vậy nếu có thể phát triển các dự án năng lượng từ bã mía thì nguồn năng lượng sinh khối sẽ đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cũng đánh giá tiềm năng phát triển của các dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam là rất lớn. Bà Sonia Lioret - Trưởng Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng - GIZ cho biết: Để cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh các rào cản về thuế quan trong khu vực ASEAN đang được giảm trừ, một số nhà máy đường tự chủ động năng lượng bằng cách phát điện từ bã mía, nhằm tiết kiệm được chi phí mua điện bên ngoài và tận dụng được phụ phẩm do chính các nhà máy sinh ra. Do vậy, đầu tư vào các dự án nhiệt điện đồng phát sử dụng bã mía là đầu tư nhiều mục đích: Năng lượng, khí hậu, nông nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam. 

Hiện nay, 41 nhà máy đường tiêu thụ khoảng 155.000 tấn mía/ngày

Những “nút thắt”

Mục tiêu Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2030 chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia đầu tư từ khu vực tài chính tư nhân. Tuy nhiên, mức giá mua điện sinh khối nối lưới trong nhà máy đường đang ở mức chỉ 1.220 đồng/kWh (tương đương 5,8 US cent/kWh), đây là mức giá thấp nhất trong tất cả các nguồn điện năng lượng sinh khối nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, mỗi tấn bã mía hiện được đối tác nước ngoài thu mua với giá hơn 500.000 đồng. Nếu tính toán chi tiết thì việc bán bã mía còn đem lại lợi nhuận cao hơn là phát điện với giá bán hiện hành. Do vậy, rất khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dự án đồng phát điện tại nhà máy mía đường.

Bên cạnh đó, suất đầu tư cho các dự án đồng phát điện tại nhà máy đường giao động vào khoảng 600.000 USD/MW cho tới 1,2 triệu USD/MW, tùy thuộc vào công nghệ thiết bị trung bình của Trung Quốc hay công nghệ tiên tiến của Châu Âu, Úc,… Suất đầu tư cao trong khi giá bán thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài khiến các nhà đầu tư chùn bước. Để giải quyết “nút thắt” này, hiện Hiệp hội mía đường Việt Nam đang kiến nghị Bộ Công Thương nâng cao mức giá mua điện sinh khối nối lưới trong nhà máy đường.

Việc đồng phát điện tại các nhà máy mía đường còn gặp khó khăn về vấn đề thời vụ của nguồn nguyên liệu, khi thời gian thu hoạch mía chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Ông Vũ Hiệp – Phó giám đốc trung tâm Năng lượng tái tạo - Viện Năng lượng, Bộ Công Thương tư vấn, các nhà máy cần linh hoạt lựa chọn công nghệ và nhiên liệu sản xuất điện để có thể vận hành quanh năm. Công nghệ hoàn hảo cho nhà máy mía đường là công nghệ đồng phát có thông số lò hơi từ 500 độ C, tua-bin trích hơi hoặc đối áp, tua-bin ngưng hơi. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế quanh năm (như gỗ vụn, trấu, rơm rạ..), làm tăng phát điện và tăng doanh thu, tạo sự hiệu quả ổn định, lâu dài của dự án. 

Khả năng phát điện của mía (Nguồn: Hiệp hội mía đường Việt Nam)

Điều kiện

Tiềm năng phát điện của 1 tấn cây mía

Tiềm năng phát điện của 1 ha mía

Nhà máy không bán điện

40 kWh

2.520 kWh

Nhà máy bán điện nối lưới, công nghệ trung bình

83 kWh

5.229 kWh

Nhà máy bán điện nối lưới, công nghệ tiên tiến

118 kWh

7.486 kWh

Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn sinh khối trong tổng sản lượng điện sản xuất từ khoảng 1,0% năm 2015 lên khoảng 3,0% vào năm 2020; khoảng 6,3% vào năm 2030 và khoảng 8,1% vào năm 2050.

(Theo Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)


  • 05/01/2018 10:20
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 35911