EVN HANOI: Giải đáp nhiều thắc mắc của khách hàng sử dụng điện

Như evn.com.vn đã đưa tin, chiều 14/7, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức trả lời trực tuyến với người dùng điện Thủ đô. Tổng công ty đã làm rõ nhiều vấn đề được bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi, trong đó có những vấn đề “nóng” như hóa đơn tiền điện “tăng bất thường”, sự minh bạch trong công tác ghi chỉ số điện năng…

Phó TGĐ EVN HANOI - Nguyễn Quang Trung trả lời trực tuyến câu hỏi của bạn đọc

Không khuất tất trong ghi chỉ số

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cùng giám đốc một số công ty điện lực trực thuộc tham gia buổi trả lời trực tuyến đã giải đáp thẳng thắn những băn khoăn, thắc mắc của độc giả.

Trước nghi vấn của độc giả Anh Kiệt: “Phải chăng có sự khuất tất về chỉ số, ghi giảm tháng trước, dồn tăng tháng sau để người dân phải trả tiền điện ở mức giá cao?”, ông Nguyễn Quang Trung khẳng định: “Chắc chắn không có chuyện ghi giảm tháng trước, để dồn tháng sau”. Giải thích đối với trường hợp cụ thể của độc giả nêu: “Hóa đơn điện từ ngày 14/4 đến 13/5 là gần 1,3 triệu đồng, từ 14/5 đến 13/6 là hơn 3 triệu đồng. Lượng điện tiêu thụ tăng hơn gấp đôi trong khi thời gian dùng điều hòa tăng đôi chút”, Phó tổng giám đốc EVN HANOI cho biết, với số điện của khách hàng sử dụng, theo cách tính giá bậc thang thì càng dùng nhiều, giá điện càng cao. Với hóa đơn của chu kỳ từ ngày 14/5 đến 13/6 sẽ có 18 ngày tính theo biểu giá bán cũ (thông tư 19, Bộ Công Thương ban hành), 13 ngày tính theo biểu giá mới áp dụng từ ngày 1/6/2014.

Cùng chủ đề được bạn đọc quan tâm, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, đơn vị sẽ cử ban chuyên môn đến kiểm tra các trường hợp được phản ánh và có địa chỉ cụ thể “để giải thích và giải quyết, bất kể trường hợp tăng hay giảm” trong hóa đơn điện tháng 5 – 6 vừa rồi.

Giải đáp câu hỏi của độc giả Nguyễn Quang Tuấn, liệu có hay không việc nhân viên ngành điện vì ngại đi ghi chỉ số mà "bốc thuốc" số lượng điện năng tiêu thụ của các tháng sàn sàn như nhau đối với một hộ? Theo ông Ngô Đạt Đức, Giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, trường hợp này đã từng xảy ra nhưng rất hiếm. Theo quy trình kinh doanh, hằng tháng, đơn vị có kiểm tra và phúc tra việc ghi chỉ số công tơ cho khách hàng để kiểm tra chéo.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Cầu Giấy khẳng định, nếu phát hiện có trường hợp sai phạm sẽ xử lý kỷ luật nhân viên để xảy ra sai sót theo quy định. Ông Đức cũng khuyến cáo, khách hàng có thể yêu cầu bên bán điện gửi lại thông báo kết quả ghi chỉ số công tơ để tự kiểm tra và so sánh trước khi có hóa đơn tiền điện.

Không chỉ xử lý nghiêm sai phạm của nhân viên nếu để xảy ra sai sót trong ghi chỉ số, Phó tổng giám đốc giám đốc EVN HANOI – Nguyễn Quang Trung cho biết sau khi kiểm tra sự việc cụ thể của khách hàng nêu, ông “sẽ xử lý thích đáng” đối với nhân viên đã không giải thích thấu đáo cho khách hàng. Cụ thể, một độc giả phản ánh, khi thông báo cho điện lực về việc hóa đơn điện trong tháng 6/2014 của gia đình tăng cao thì ông chỉ nhận được câu trả lời cộc lốc là do "trời nóng quá". 

Luôn tạo điều kiện để người dân kiểm tra, giám sát

Vấn đề minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ cũng được nhiều độc giả đặt câu hỏi. Về điều này, ông Ngô Đạt Đức – Giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm khẳng định: “Ngành điện luôn tạo điều kiện cho khách hàng được chứng kiến và giám sát việc ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng.”

EVN HANOI cũng cho biết, lịch ghi chỉ số công tơ được in trên hóa đơn tiền điện và niêm yết tại phòng giao dịch khách hàng. Khách hàng có thể liên hệ với công ty điện lực sở tại để chủ động giám sát việc thực hiện ghi chỉ số của nhân viên ngành Điện.

Làm rõ thắc mắc của khách hàng về việc: “Làm thế nào để tin vào sự chính xác của đồng hồ đo điện của công ty điện lực lắp cho các hộ dân?”. Theo ông Nguyễn Anh Dũng -  Giám đốc Công ty Điện lực Cầu Giấy, toàn bộ các phương tiện đo dùng để đo đếm bán điện đều được phê duyệt mẫu phương tiện đo theo quyết định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Theo đó, trước khi đưa vào sử dụng, tất cả phương tiện đo đều được kiểm định ban đầu, nếu đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường sẽ được dán tem, kẹp chì và cấp giấy chứng nhận kiểm định theo đúng quy định của pháp luật. Sau một thời gian sử dụng, tất cả các phương tiện đo đều được thay và kiểm định định kỳ theo quy định: 5 năm đối với công tơ một pha (cơ khí và điện tử) và 2 năm đối với công tơ điện ba pha (cơ khí và điện tử).

Theo EVN HANOI, hiện toàn thành phố có khoảng 3.500 khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, sản lượng lớn đang được thí điểm lắp đặt công nghệ thu thập dữ liệu từ xa. Chỉ số điện năng của khách hàng được truyền dữ liệu về trung tâm 30 phút một lần và các khách hàng này có thể theo dõi sản lượng điện sử dụng của mình theo thời gian trên.

Theo lộ trình, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ dần lắp đặt công tơ điện tử thay thế công tơ cơ khí cũ và dần áp dụng công nghệ ghi chỉ số tự động. Điều này sẽ đảm bảo tính chính xác đối với việc ghi chỉ số điện so với việc ghi chỉ số bằng mắt thường như hiện nay.

Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ trong công tác dịch vụ khách hàng như xây dựng phòng giao dịch khách hàng ở các đội quản lý điện phường để người dân dễ tiếp cận dịch vụ, mở ra nhiều hình thức thanh toán tiền điện, đa dạng hình thức chăm sóc khách hàng như thông báo các thông tin trong lĩnh vực điện qua tin nhắn,... EVN HANOI sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dùng điện Thủ đô.


  • 15/07/2014 11:12
  • Hoàng Tuyết (tổng hợp theo VnExpress)
  • 2910


Gửi nhận xét