EVN hỗ trợ 3 huyện nghèo tỉnh Lai Châu: Cơ quan quản lý nhà nước và địa phương nói gì?

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong giai đoạn 2009 - 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư hơn 980 tỷ đồng hỗ trợ các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Các nội dung hỗ trợ của EVN mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại cả 3 huyện. Evn.com.vn lược ghi lại đánh giá của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cũng như của chính quyền địa phương.

 

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

"Thắp sáng" niềm tin và khát vọng vươn lên của đồng bào vùng sâu, vùng xa

Nhiều năm qua, xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà chương trình 30a của Chính phủ là ví dụ điển hình. Trong đó, việc các doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ lực như EVN vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ là rất quan trọng, không chỉ có tác động cụ thể với các huyện nghèo được EVN hỗ trợ, mà còn có vai trò dẫn dắt, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.

12 năm chung tay, góp sức hỗ trợ các huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên của EVN có ý nghĩa quan trọng giúp các huyện thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn; đồng thời góp phần cùng chính quyền tỉnh Lai Châu củng cố niềm tin của nhân dân vào các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, "thắp sáng" niềm tin và khát vọng vươn lên của đồng bào ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất.

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:

Góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng

Nghị quyết 30a do EVN thực hiện tại Lai Châu có thể nói là rất thành công. Giai đoạn 2009-2021, EVN đã hỗ trợ 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ rất nhiều nội dung như: phát triển lưới điện nông thôn; xây dựng trường dân tộc nội trú, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà bán trú; hỗ trợ xi măng cứng hóa giao thông nông thôn; hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…, với tổng kinh phí hơn 980 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp tỉnh Lai châu thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Đến năm 2018, đã có 2/3 huyện hoàn thành mục tiêu và ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước và năm 2020 có 1 huyện đạt huyện nông thôn mới.

Sự đồng hành hơn 10 năm qua của EVN đã góp phần cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện giúp đỡ học sinh vượt khó khăn, góp phần duy trì số học sinh ra lớp; giảm tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục và đặc biệt là củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Những kết quả trong giai đoạn vừa rồi là một trong những tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh Lai Châu thực hiện những khát vọng hướng đến tương lai, hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Thay mặt cho đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu, chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước; sự đồng hành của EVN trong sự nghiệp giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Ông Vương Thế Mẫn – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ:

Nghị quyết 30a do EVN thực hiện tại Lai Châu đã đi vào cuộc sống

Nghị quyết 30 của Chính phủ do EVN thực hiện tại 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rất cao. Các hoạt động đã góp phần tạo động lực cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Riêng tại huyện Phong Thổ, với sự hỗ trợ của EVN, hiện nay, 100% số xã và 99,96% số hộ dân đã được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Nhờ đó, các hoạt động về sản xuất cũng như đời sống dân sinh được nâng lên, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi…

Cùng với đó, chương trình hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn đã giúp bà con đi lại thuận lợi, góp phần liên kết các thôn bản, tạo điều kiện cho bà con nhân dân tổ chức sản xuất và giao thương giao thoa các vùng. Đặc biệt, với 52km đường giao thông nông thôn được hỗ trợ cứng hóa, huyện Phong Thổ đã hình thành được các vùng sản xuất, với các sản phẩm chủ lực như vùng mía, vùng lúa, vùng chuối, giúp bà con nhân dân nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Các hỗ trợ của EVN đã góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của huyện Phong Thổ từ 27,1% năm 2009 giảm xuống còn 18,6% năm 2021, đạt các mục tiêu, lộ trình đề ra.

Ông Nguyễn Văn Thăng – Phó chủ tịch UBND huyện Than Uyên:

Góp phần thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào

Nghị quyết 30a với sự hỗ trợ của EVN triển khai tại huyện Than Uyên đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân; kết cấu hạ tầng cơ sở, các chương trình, dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, các mô hình hỗ trợ sinh kế khuyến nông, khuyến lâm được EVN hỗ trợ đều phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu thực tế của bà con. Thông qua các mô hình, các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; nắm được các quy trình sản xuất. Có thể nói, đến nay, các mô hình đã giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, tự túc chuyển dần sang sản xuất theo hướng hàng hóa… Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống hộ gia đình bền vững đúng như tinh thần nghị quyết 30a của Chính phủ.

Với sự hỗ trợ của EVN, năm 2018, huyện Than Uyên chính thức thoát khỏi danh sách các huyện nghèo; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 41 triệu đồng, tăng 34,8 triệu đồng so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 17,41%, giảm 19,99% so với năm 2009.

Ông Lò Văn Biên – Phó chủ tịch UBND huyện Tân Uyên:

Đời sống sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt

Với sự hỗ trợ tích cực của EVN, sự nỗ lực của Công ty Điện lực Lai Châu trong việc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động, những mục tiêu đề ra của Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Tân Uyên đã được thực hiện hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -  xã hội.

Đặc biệt, qua 12 năm thực hiện, huyện Tân Uyên đã có những bước thay đổi mạnh mẽ về diện mạo nông thôn, đời sống sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt. Nếu năm 2009, huyện Tân Uyên mới chỉ có 6/9 xã có điện; 60% số hộ dân có điện lưới quốc gia, thì đến cuối năm 2021, 100% số xã và 99,7% số hộ dân đã có điện lưới quốc gia.

Năm 2018, huyện đã được Chính phủ công nhận là huyện thoát nghèo. Đến năm 2021, huyện có 9 xã, 61 thôn, bản, tổ dân phố thoát khỏi các thoát khỏi thôn, bản đặc biệt khó khăn. Mức thu nhập bình quân của người dân từ 6 triệu đồng năm 2010 đã tăng lên 40 triệu đồng năm 2021; 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm…


  • 11/03/2022 04:57
  • B. Hoa
  • 4839