Nhiều CTCP có vốn góp của EVN hoạt động có hiệu quả
Báo cáo về công tác quản lý vốn và người đại diện trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến hết năm 2022, ông Cao Đạt Khoa – Trưởng Ban Quản lý đầu tư vốn EVN cho biết, công ty mẹ - EVN có vốn góp tại 16 doanh nghiệp, trong đó có 8 tổng công ty/công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 8 công ty cổ phần (CTCP), với tổng giá trị khoảng 152.257 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị người đại diện phần vốn của EVN tại các doanh nghiệp năm 2023.
|
Cơ chế quản trị thông qua người đại diện đã phát huy được tính hiệu quả và đáp ứng mục tiêu về bảo toàn và phát triển vốn góp của EVN/tổng công ty tại các đơn vị. Các quy định của pháp luật về người đại diện đã từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng đầy đủ các mặt từ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục cử, cử lại, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm người đại diện, đến quyền và trách nhiệm của người đại diện, chế độ thông tin báo cáo và giám sát công tác người đại diện,…
EVN cũng đã tạo sự chủ động cho người đại diện trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm của cổ đông tại doanh nghiệp. Qua đó, mang lại những hiệu quả nhất định trong quá trình thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của EVN; đồng thời góp phần bảo toàn và phát triển vốn của EVN/tổng công ty tại các công ty cổ phần đến thời điểm hiện nay.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
|
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định, việc cử người đại diện, quản lý người đại diện phần vốn của EVN và các đơn vị tại các công ty cổ phần đã cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, của EVN; cơ chế quản trị, điều chỉnh hoạt động của công ty cổ phần thông qua người đại diện cơ bản hoàn thành. Nhiều công ty cổ phần có vốn góp của EVN/đơn vị hoạt động có hiệu quả, việc đầu tư vốn của EVN/đơn vị nhìn chung có lãi, mang lại hiệu quả về tài chính và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ chung của EVN.
Các công ty cổ phần có vốn góp của EVN/đơn vị có mô hình quản trị đảm bảo quy định của pháp luật, bước đầu tiếp cận với các thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới và đã phát huy giá trị trong công tác quản lý, điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ công bố thông tin theo quy định.
Trong tình hình thế giới phát sinh những biến động lớn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động trực tiếp tới hoạt động của EVN. Đặc biệt, giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cân đối tài chính của EVN. Chủ tịch HĐTV EVN ghi nhận, với sự quyết tâm, phấn đấu của EVN, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của lãnh đạo các công ty cổ phần - những người được EVN tín nhiệm cử là người đại diện, thành viên ban kiểm soát - đã chỉ đạo, điều hành, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tại các doanh nghiệp.
Xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại
Trong giai đoạn tới, nhằm triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu các tổng công ty, người đại diện phần vốn của EVN/tổng công ty tại các công ty cổ phần phối hợp với hội đồng quản trị tại các công ty cổ phần tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trong EVN giai đoạn 2021-2025; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;...
Song song đó, cần xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý; trong đó cần tăng cường chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp tiếp cận “mô hình quản trị tốt” theo thông lệ quốc tế; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp trong EVN.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại hội nghị
|
Chủ tịch HĐTV EVN cũng yêu cầu các tổng công ty, công ty cổ phần đẩy mạnh chuyển đổi số, đạt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số; trong đó cần tập trung phát triển và xây dựng hạ tầng số đảm bảo đồng bộ với hạ tầng của EVN và các đơn vị; tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết, từng bước đưa doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng số trở thành một trong những nguồn thu chủ lực trong giai đoạn đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đề nghị các tổng công ty/công ty cổ phần cần quan tâm hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm người đại diện phần vốn tại các đơn vị. Theo đó, cần bố trí người đại diện có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, am hiểu về lĩnh vực tài chính. Người đại diện cần tuân thủ ý kiến chủa chủ sở hữu, phát huy năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào thành công của đơn vị cũng như của EVN.