Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, tổng công suất thiết kế của hệ thống điện Việt Nam là gần 40.000 MW, trong đó 14.000 MW là thủy điện, chiếm khoảng 30%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý 11.000 MW, với trên 30 nhà máy thủy điện.
Với tốc độ tăng trưởng phụ tải trung bình hàng năm khoảng 11%, từ nay đến 2020, mỗi năm Việt Nam cần đầu tư xây dựng khoảng 4.000 – 5.000 MW để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thủy điện ở Việt Nam không còn nhiều. Vì vậy, việc tối ưu quản lý vận hành các nguồn thủy điện hiện có là vô cùng quan trọng.
Ông Ngô Sơn Hải khẳng định: “Qua hội thảo này, các chuyên viên đến từ các ban chuyên môn của Tập đoàn, cán bộ quản lý các nhà máy thủy điện của 3 Tổng công ty Phát điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, nhằm vận hành hiệu quả các nhà máy thủy điện tại Việt Nam”.
Còn theo ông Ohnishi Masahiro - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế JEPIC, hội thảo là hoạt động thường niên được JEPIC phối hợp tổ chức với các đối tác tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Myanma.
Hiện nay, hệ thống điện của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu điện trong nước, mà còn xuất khẩu sang Campuchia, đồng thời nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào. Vì vậy, việc vận hành, bảo dưỡng, tối ưu hóa thiết bị của ngành Điện Việt Nam từ nguồn, lưới điện truyền tải và phân phối đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
“Nắm bắt được yêu cầu đó, tại hội thảo lần này, JEPIC đã cử các chuyên gia đến từ Công ty Điện lực Shikoku, Công ty Phát triển Điện lực Nhật Bản J-power là những người tham gia trực tiếp vận hành thủy điện. Kiến thức, kinh nghiệm thực tế của chuyên gia Nhật Bản sẽ giúp ích cho các đồng nghiệp tại Việt Nam trong công việc thường nhật”, ông Ohnishi Masahiro khẳng định.