Chạy đua với thời gian
Mùa hè năm nay tới sớm, thời tiết nắng nóng cao điểm kéo dài trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhu cầu sử dụng điện trong đời sống kinh tế-xã hội liên tục tăng cao, lập đỉnh mới.
Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch COVID-19, mấy tháng nay, Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh đó, EVNHANOI đã sớm định lượng tình hình, chủ động, khẩn trương xây dựng phương án vận hành an toàn hệ thống điện tại địa bàn Thủ đô. Trong đó, đặc biệt chú trọng bảo đảm cung cấp điện cho cấc chốt chặn kiểm soát dịch bệnh, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Do biến chủng mới làm các ca bệnh gia tăng nhanh, thêm bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang được gấp rút xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Chạy đua cùng thời gian, các nhân viên của EVNHANOI cũng đang hối hả để công trình sớm được đưa vào vận hành.
“Nhằm đảm bảo tiến độ cấp bách của dự án, đơn vị đã tư vấn xây dựng trạm điện biến áp với công suất 2x1000kVA kiểu kios có hệ thống liên lạc đặt trong khuôn viên dự án và đấu nối vào 2 nguồn trung thế để đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ công tác khám chữa bệnh”, anh Đỗ Phú Tùng – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Hoàng Mai thông tin.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, để thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo phương án của trung tâm kiểm soát dịch bệnh các cấp, vừa bảo đảm cung cấp điện đầy đủ, giải quyết kịp thời các yêu cầu của khách hàng, EVNHANOI đã thành lập 8 cụm tác nghiệp. Các đơn vị trong cùng một cụm sẽ hỗ trợ, bọc lót cho nhau trong quản lý vận hành nhằm đảm đủ bảo điện trong mọi tình huống phòng, chống dịch cấp bách.
Tại các điểm nóng như Bệnh Viện Nhiệt đới TW, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Nhi TW…. luôn có các ca trực tăng cường.
Còn với đơn vị đặc thù như Trung tâm Điều độ Hệ thống, EVNHANOI cũng đã kịp thời kích hoạt 2 trung tâm điều hành. Sự chủ động này nhằm bảo đảm đầu não chỉ huy trực chiến trôi chảy nhất, kịp thời nhất.
EVNHANOI tăng cường lực lượng ứng trực 24/24h nhằm đảm bảo điện an toàn, ổn định cho toàn Thành phố trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Những chiến sĩ hậu phương thầm lặng
22 giờ ngày 6/8/2021 – tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh). Thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, hầu hết mọi người đều cố gắng bảo vệ bản thân bằng cách phòng thủ trong nhà càng nhiều càng tốt, thì anh Lê Thành Tâm – Đội trưởng đội dịch vụ khách hàng vẫn phải ra ngoài thực thi nhiệm vụ. Kíp trực của anh Tâm và các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ đảm bảo điện cho khu vực bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nơi cao điểm điều trị bệnh nhân COVID-19.
Anh Tâm chia sẻ, từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu, đội của anh luôn được huy động trực chiến, duy trì dòng điện thông suốt, không để xảy ra tình trạng gián đoạn.
“Hiện, ở khu vực này có 3 máy biến áp cấp điện cho toàn bệnh viện và 1 máy phát dự phòng. Lực lượng ứng trực luôn có mặt 24/24h. Nếu có sự cố, hoặc nghi ngờ sự cố, lực lượng xung kích bổ sung sẽ được điều phối nhanh chóng để hỗ trợ kịp thời”, anh Tâm nói.
Những "hậu phương thầm lặng" như anh Tâm và đồng nghiệp hiểu rất rõ một điều, với cuộc sống bình thường, mất điện vài phút, thậm chí vài giờ thì không sao. Nhưng tại các cơ sở điều trị bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, phải thở máy, chỉ một tích tắc gián đoạn nguồn điện, cũng có thể đe dọa đến sự sống, cái chết. Còn với những người đang phải cách ly, tâm lý thường bất an, vừa lo lắng, vừa gò bó, căng thẳng, cũng dễ bị kích động, thiếu hợp tác, không yên tâm... nếu những vấn đề thiết yếu như điện đóm không bảo đảm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như vừa qua.
Cũng như các "chiến sĩ" đang chống dịch tuyến đầu, anh Tâm và các đồng đồng nghiệp nhiều ngày qua chưa được về nhà. Một phần vì công việc tăng cường, một phần để giữ an toàn cho gia đình.
“Nhớ lắm chứ, nhớ nhà, nhớ bữa cơm gia đình xum vầy, lo mọi người ở nhà thực hiện Chỉ thị 16 thế nào, có khó khăn gì không?!"…. Những mối lo ấy, luôn được những người lính ngành điện xếp lại, để dành tâm trí, thực hiện tốt nhất vai trò hậu phương, điểm tựa, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.
11g trưa ngày 7/8/2021 tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm)- địa điểm “nóng” với 17 trường hợp F0 vừa được xác định.
Theo quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm, từ 0h ngày 31/7 đến 0h ngày 14/8, người dân tại địa bàn dân cư phường Chương Dương không được tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác.
Ngay sau khi chính quyền có quyết định cách ly y tế, những người dân vội vã mua sắm thực phẩm thiết yếu, rồi vội vã về nhà, đóng cửa chống dịch cũng là lúc ngành điện hối hả, điều quân ra các điểm nóng, triển khai các phương án đảm bảo cung ướng điện năng theo các kịch bản đã được lập.
Anh Trần Đình Long – phụ trách điện khu vực Hoàn Kiếm chia sẻ, “trong những tình huống đặc biệt như thế này, càng không thể để dòng điện gián đoạn được”.
Giữa cái nóng hầm hập hắt lên từ nền đường và các khu nhà bê tông, những công nhân điện hối hả lên đường đi làm nhiệm vụ ứng trực tại các vị trí/đội theo yêu cầu.
Chỉ vào bộ đồ kín từ đầu đến chân, anh Nguyễn Thế Mạnh – công nhân tổ điện cho biết, đây là quy định bảo hộ, mà EVNHANOI bắt buộc các công nhân phải sử dụng mỗi khi làm việc bên ngoài, tại vùng dịch và vùng cách ly y tế.
"Vào mùa hè, mặc đồ bảo hộ thông thường đã ngộp thở rồi, giờ mặc trang phục chống dịch rất bức bối khó chịu, nhưng đây là quy định của công ty để bảo vệ bản thân và cũng để bảo vệ những người xung quanh", anh Mạnh chia sẻ.
Không chỉ thông thạo về nghiệp vụ, những người thường xuyên phải có mặt tại hiện trường như anh Mạnh và đội của anh nằm lòng nguyên tắc 5K. Các nhân viên vận hành sửa chữa điện được cơ quan bố trí công việc luân phiên, vừa giãn cách theo qui định vừa bảo toàn lực lượng. Hàng ngày, mọi người tự theo dõi sức khỏe và nhiệt độ.
Đã quá trưa, công việc đã hoàn tất, tranh thủ lúc giao ca mọi người hối hả gọi điện về nhà. Tạm quên đi những giọt mồ hôi, tạm quên cái nhọc nhằn của nghề nghiệp, tạm quên bộ đồ bảo hộ nặng nề ngột ngạt, ai nấy nếu yên tâm khi nghe tiếng người thân.
“Người ngành điện vất vả liên miên thì rõ rồi. Biết là thế nên công ty luôn động viên, hỗ trợ khiến chúng tôi an lòng, cố gắng góp sức cùng thủ đô chống dịch Covid-19. Mong cho giai đoạn “bão táp” này sớm qua đi, để trẻ con lại được đến trường, để các cụ già lại được ra công viên tập thể dục….” anh Mạnh nói.
Link gốc