Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT
|
PV: Xin ông cho biết những kết quả về chuyển đổi số của EVNNPT đạt được cho đến thời điểm hiện nay?
Ông Lưu Việt Tiến: Theo kế hoạch chuyển đổi số EVN giao cho EVNNPT, đến hết năm 2022 EVNNPT có 15 nhiệm vụ, hết năm 2025 EVNNPT có 15 nhiệm vụ trong các lĩnh vực kỹ thuật sản xuất; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ. Ngoài ra, EVNNPT cũng chủ động đăng ký 14 nhiệm vụ chuyển đổi số.
Đến nay, EVNNPT đã hoàn thành 9 nhiệm vụ năm 2022 và EVNNPT dự kiến hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của năm 2022 sớm hơn kế hoạch EVN giao. Trong quý III/2022, Tổng công ty sẽ hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ còn lại, trong đó có 3 nhiệm vụ chuyển đổi số rất quan trọng trong lĩnh vực quản lý đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm. Nhờ đó EVNNPT sẽ thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp trong 3 lĩnh vực: Quản lý đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm, mang lại hiệu quả cao trong việc tăng năng suất lao động.
PV: Việc chuyển đổi trạm biến áp 220kV sang điều khiển tích hợp bằng máy tính, thao tác điều khiển từ xa mang lại thuận lợi như thế nào trong công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: EVNNPT đang vận hành 149/176 trạm biến áp điều khiển tích hợp bằng máy tính trong đó có trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam, đạt tỷ lệ 85%. Tổng công ty đã chuyển 109 TBA 220kV sang thao tác xa đạt tỉ lệ 76% trên tổng số 142 trạm biến áp 220kV, nhờ đó tiết kiệm gần 600 lao động so với TBA có người trực thao tác tại chỗ.
Bên cạnh đó, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, dữ liệu số hóa là một tài sản quan trọng cho phép EVNNPT triển khai các bài toán phân tích dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định trong vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và tăng hiệu suất của thiết bị.
Lãnh đạo EVN, EVNNPT kiểm tra công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải tại PTC2, tháng 6/2022 |
PV: Những khó khăn, thách thức của EVNNPT trong tiến trình chuyển đổi số là gì, thưa ông? Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia?
Ông Lưu Việt Tiến: Khi bắt đầu hành trình tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào năm 2018 cũng như chuyển đổi số vào năm 2020 - 2021, mặc dù EVNNPT có quyết tâm mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, nhưng khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen của mọi người. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng từ lãnh đạo đến CBCNV.
Người lao động của EVNNPT đã quen với môi trường thực trong nhiều năm, chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen, đây là việc khó, cần thời gian. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng CBCNV EVNNPT thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới nên sớm thay đổi nhận thức, thói quen để thích ứng với chuyển đổi số.
EVNNPT ứng dụng vệ sinh hotline cho thiết bị đang mang điện |
Đối với lĩnh vực truyền tải điện cũng như các ngành công nghiệp khác, việc tin học hóa, số hóa cũng là một bước trong quá trình tiến đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo quan điểm của EVNNPT, việc chuyển đổi số phải tiến tới thay đổi thực sự phương thức tổ chức sản xuất cũng như thay đổi cách thức làm việc của người lao động, chuyển từ những người lao động trực tiếp, theo cách truyền thống sang người lao động số, trong đó công nghệ số đóng vai trò quan trọng.
Với các giải pháp về chuyển đổi số mà EVNNPT đang thực hiện thì khoảng gần 5.000 người lao động trực tiếp của tổng công ty sẽ thực sự trở thành các công nhân số, ứng dụng các công nghệ số để tăng hiệu quả, tăng năng suất lao động. Và nhờ đó, EVNNPT sẽ tạo ra một bước phát triển vượt bậc trong việc nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Sử dụng Ipad kiểm tra thông số thiết bị Trạm biến áp 220kV Vân Phong (Khánh Hòa) |
PV: Vậy làm thế nào để EVNNPT hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số cũng như mục tiêu trở thành đơn vị truyền tải điện hàng đầu châu Á vào năm 2025?
Ông Lưu Việt Tiến: Từ nay đến 2025 EVNNPT sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ba lĩnh vực quan trọng, đó là trong lĩnh vực về kỹ thuật sản xuất, vận hành lưới truyền tải; lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng các công trình mới và lĩnh vực về quản trị nội bộ.
Trong nhiều thập kỷ qua, công nghệ truyền tải điện gần như không có sự thay đổi lớn trong khi công nghệ số đã phát triển vượt bậc. Do đó, để hướng tới mục tiêu tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí truyền tải điện, thông điệp chính cũng như những kỳ vọng mà EVNNPT muốn đạt được là thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số là cơ hội vô giá để EVNNPT phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, EVNNPT sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Ngược lại, nếu tận dụng cơ hội này chúng ta sẽ theo kịp các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới, hướng đến mục tiêu năm 2025, EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và năm 2030, EVNNPT đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.
PV: Xin cảm ơn ông!