Mức giá này được áp dụng cho nhà máy nhiệt điện than công suất 2 x 600 MW. Thông số nhiên liệu sử dụng để tính toán giá điện này là than cám 6a.1 với giá than (bao gồm hao hụt, phí quản lý, bảo hiểm, không bao gồm cước vận chuyển) là 1.301.665 đồng/tấn.
Bộ Công Thương cũng quy định, mức trần của khung giá phát điện của các nhà máy thủy điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng và thuế giá trị gia tăng) là 1.070 đồng/kWh.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 diễn ra đầu tháng 1/2017, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho hay, việc giá than trong nước tăng thêm 7% từ ngày 24/12/2016 sẽ khiến chi phí sản xuất điện của năm 2017 tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, thách thức lớn nhất của EVN hiện nay là các chi phí ngày càng tăng mà giá điện chưa được điều chỉnh kịp thời. Đơn cử như giá than đã có sự tăng mạnh như nói trên. “EVN có thể phải xin Chính phủ cho thực hiện phương án chậm thanh toán tiền mua than để xử lý vấn đề tài chính khi chi phí bị đội lên lớn trong khi đầu ra vẫn chưa có thay đổi”, ông Tri nói.
Giá bán lẻ điện bình quân hiện là 1.622,01 đồng/kWh, được áp dụng từ ngày 16/3/2015 và đã tiếp tục ổn định trong suốt năm 2016.
Hiện Bộ Công Thương cũng đã được giao nhiệm vụ, hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở tính toán thông số đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện để khuyến khích tiết kiệm và thu hút đầu tư; đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý, sớm báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ để chỉ đạo quyết định.