Giảm thiểu tai nạn lao động - Biện pháp nào?

Để mỗi kWh điện đến được với người dùng điện, hầu hết các khâu từ đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải, vận hành, kinh doanh điện năng… luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN). Biện pháp nào nhằm giảm thiểu TNLĐ luôn là câu hỏi đau đầu đối với người sử dụng lao động cũng như người bảo vệ quyền lợi người lao động. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Chiến - Phó chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Chiến

PV: Ông cho biết vai trò của Công đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong sản xuất – kinh doanh của ngành Điện ?

Ông Nguyễn Hồng Chiến: Nhằm ngăn ngừa TNLĐ, BNN và bảo vệ sức khoẻ NLĐ, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp rất tích cực và chặt chẽ với Tập đoàn, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giáo dục người lao động nâng cao ý thức kỷ luật, kết hợp kiểm tra, giám sát; ban hành Chỉ thị liên tịch về đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động. Công đoàn Điện lực Việt Nam có một Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật, phụ trách công tác ATVSLĐ, mỗi Công đoàn tổng công ty và công đoàn cơ sở đều có một uỷ viên ban chấp hành phụ trách công tác ATVSLĐ, là đầu mối trực tiếp phối hợp với chuyên môn đồng cấp trong công tác ATVSLĐ và triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” lồng ghép với việc thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hằng năm của đơn vị.

Hằng năm, Công đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện khen thưởng và đề nghị Tổng Liên đoàn khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân xuất sắc trong công tác ATVSLĐ.

PV: Sự phối hợp giữa Công đoàn Điện lực Việt Nam với chính quyền trong công tác ATVSLĐ đã được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Chiến: ATVSLĐ là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình phối hợp hoạt động hàng năm giữa Tổng giám đốc Tập đoàn và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn và CĐ yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm túc  kỷ luật lao động, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra hiện trường, đặc biệt là kiểm tra đột xuất để phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của NLĐ; đồng thời coi trọng công tác khảo sát hiện trường, từ đó, lập kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện công việc.

Hằng năm, Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN được hưởng ứng rộng khắp với nội dung cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Công đoàn Điện lực Việt Nam tham gia Đoàn kiểm tra của Tập đoàn về công tác ATVSLĐ-PCCN tại một số đơn vị; Tham gia kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt, thăm hỏi động viên và trợ cấp CNVC-LĐ bị thiệt hại do bão lụt; Phối hợp điều tra tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục khi có tai nạn lao động nặng. Điều đó đã có tác động tích cực đến việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về công tác ATVSLĐ cho NLĐ, cho cán bộ quản lý và lãnh đạo các đơn vị.

Kế hoạch về công tác ATVSLĐ được xây dựng hằng năm. Người lao động được tổ chức huấn luyện, hướng dẫn thực hiện đúng các quy định, biện pháp ATVSLĐ phù hợp với nhiệm vụ được giao; được đào tạo các chức danh nghề đảm bảo tiêu chuẩn trước khi được giao việc; được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo chất lượng; Việc duy tu bảo dưỡng định kỳ các loại máy, thiết bị được thực hiện đúng kỳ hạn và đảm bảo chất lượng, đặc biệt là thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Việc khám sức khoẻ định kỳ thực hiện đúng quy định, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Hiệu quả rõ ràng nhất là số vụ tai nạn lao động và số người bị bệnh nghề nghiệp trong mấy năm gần đây giảm dần. Cũng cần phải nói thêm rằng, việc Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức các phong trào thi đua sản xuất theo khối ngành nghề như “Ca vận hành an toàn – kinh tế” tại các công ty phát điện, “Trạm và đường dây kiểu mẫu” tại các công ty truyền tải điện, và nhiều phong trào khác tại các công ty điện lực không những góp phần thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, mà còn tạo điều kiện cho NLĐ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo ATVSLĐ.

PV: Theo ông, vấn đề còn tồn tại  trong công tác ATVSLĐ ở các đơn vị ngành Điện hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Hồng Chiến: Đó là ý thức chấp hành quy trình, quy phạm và biện pháp đảm bảo an toàn đối với từng công việc của một bộ phận người lao động chưa thực sự nghiêm túc. Phần lớn các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động chết người xảy ra đều do nguyên nhân chủ quan của người lao động đã không thực hiện đầy đủ, đúng quy trình và các biện pháp đảm bảo kỹ thuật an toàn theo yêu cầu công việc.

Ngoài một bộ phận người lao động chưa đề cao ý thức tự bảo vệ mình, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cũng như cán bộ phụ trách công việc tại một số đơn vị cũng có phần trách nhiệm do việc thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở trong quá trình làm việc của người lao động và việc xử lý đối với những hành vi vi phạm chưa kiên quyết, chưa triệt để.

PV: Theo ông cần những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Ông Nguyễn Hồng Chiến: Cần tăng cường và phát huy hiệu quả phối hợp hoạt động giữa chính quyền và Công đoàn các cấp. Đặc biệt, cần tuyên truyền vận động, giáo dục NLĐ nâng cao ý thức kỷ luật lao động, ý thức chấp hành qui trình, qui phạm trong công việc hằng ngày, về trang bị bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, thay đổi nội dung, hình thức bồi huấn, tập huấn ATVSLĐ theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng nghề nghiệp riêng. Công tác tổ chức, chỉ huy, giám sát công việc tại hiện trường và thực hành cho NLĐ tại bãi tập cần đặc biệt chú trọng huấn luyện kỹ càng.

Các công tác khảo sát hiện trường, lập kế hoạch triển khai công việc, bố trí nhân lực phù hợp công việc cần hết sức hợp lý. Đồng thời, việc chuẩn bị tốt vật tư, vật liệu, đồ nghề, phương tiện vận tải, trang thiết bị an toàn,… cũng là một trong những điều kiện bắt buộc để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, không thể thiếu công tác kiểm tra, giám sát an toàn tại tại hiện trường công tác để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hiện tượng vi phạm của NLĐ, ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động có thể xảy ra.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các đơn vị của EVN?

Ông Nguyễn Hồng Chiến: Hiện nay, tại các đơn vị thuộc Tập đoàn có tổng số trên 7.000 ATVSV. Lực lượng này hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của công đoàn đơn vị, định kỳ được tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác ATVSLĐ, trên cơ sở 5 nhiệm vụ và 4 quyền hạn đã được quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2011 của liên Bộ Lao động Thương Binh Xã hội và Y tế.

Về cơ bản, hoạt động của mạng lưới ATVSV tại các đơn vị đã bám sát nhiệm vụ mà theo cách nói vắn tắt là “Đôn đốc - Kiểm tra – Tham gia - Kiến nghị”, đạt được hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa, cần phải xây dựng hoàn chỉnh và ổn định được bộ máy làm công tác này; bồi huấn phương pháp và kỹ năng hoạt động với nội dung sát thực tế của cơ sở; tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, phân tích bài học kinh nghiệm từ các vụ TNLĐ; cập nhật hiện trạng các phương tiện bảo vệ cá nhân; tập hợp các ý kiến đề xuất của NLĐ; hằng năm có sơ kết, tổng kết, khen thưởng, rút kinh nghiệm kịp thời…

Hội thi ATVSV giỏi các cấp và Hội thi cấp Tập đoàn năm 2102 theo Chỉ thị liên tịch số 1222 ngày 16/4/2012 của Tổng giám đốc Tập đoàn và Ban Thường vụ Công đoàn ĐLVN chính là một trong những giải pháp cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV tại các đơn vị thuộc Tập đoàn.

PV: Xin cảm ơn ông!

8 nội dung chỉ đạo của Công đoàn Điện lực Việt Nam tới các công đoàn cơ sở:

* Thoả ước lao động tập thể được ký kết có các điều khoản về ATVSLĐ;

* Tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện kỷ luật lao động và các biện pháp an toàn theo từng công việc;

* Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động đẩy mạnh phong trào bảo đảm ATVSLĐ;

* Động viên khuyến khích NLĐ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, giảm nhẹ sức lao động, tăng cường khả năng đảm bảo ATVSLĐ;

* Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và mạng lưới an toàn - vệ sinh viên, quản lý hoạt động của mạng lưới này đạt được hiệu quả thiết thực;

* Tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng và kiểm tra thực hiện các nội quy, quy chế quản lý và kế hoạch hàng năm về công tác ATVSLĐ;

* Giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về ATVSLĐ và các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khoẻ cho NLĐ;

* Kiến nghị với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ và phòng ngừa TNLĐ và BNN,  tham gia điều tra TNLĐ và tham dự các cuộc họp kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại đơn vị.

Nhiệm vụ của an toàn vệ sinh viên ngành Điện:

* Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ sản xuất chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATVSLĐ, bảo quản các thiết bị an toàn và các phương tiện bảo vệ cá nhân;

* Nhắc nhở tổ trưởng chấp hành các quy định về ATVSLĐ;

* Giám sát việc thực hiện các quy định, quy trình, nội quy ATVSLĐ, qua đó phát hiện những thiếu sót, vi phạm về ATVSLĐ của NLĐ trong tổ và những trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị;

* Tham gia xây dựng kế hoạch và các biện pháp, phương án làm việc ATVSLĐ trong phạm vi tổ; Tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với NLĐ mới đến làm việc ở tổ;

* Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, kịp thời khắc phục những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị và nơi làm việc, chấn chỉnh những vi phạm của NLĐ trong tổ về công tác ATVSLĐ.

Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian khác theo quy định của Bộ luật Lao động như: Nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị, kết thúc công việc tại nơi làm việc.

Những trường hợp được coi là tai nạn lao động gồm: Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc từ nơi làm việc về nơi ở vào thời gian và tại địa điểm hợp lý (trên tuyến đường đi và về thường xuyên hằng ngày) hoặc tai nạn do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động.

Mức trợ cấp và bồi thường cho người lao động bị  TNLĐ:

* Trợ cấp ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%.

* Trợ cấp ít nhất bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do TNLĐ.

* Bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%.

* Bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có cho người bị TNLĐ mà suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết).

8 điều kiện lao động có hại không được sử dụng lao động nữ:

1- Nơi có áp suất lớn hơn áp suất khí quyển;

2. Trong hầm lò;

3. Nơi cheo leo nguy hiểm;

4. Nơi làm việc không phù hợp với thần kinh, tâm lý phụ nữ;

5. Ngâm mình thường xuyên dưới nước, ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng;

6. Nặng nhọc quá sức (mức tiêu hao năng lượng trung bình trên 5 kcal/phút, nhịp tim trung bình trên 120/phút);

7. Tiếp xúc với phóng xạ hở;

8. Trực tiếp tiếp xúc với hóa chất có khả năng gây biến đổi gien.

5 điều kiện cụ thể không được sử  dụng lao động nữ có thai và đang cho con bú:

1. Tiếp xúc với điện từ trường ở mức quá giới hạn cho phép;

2. Trực tiếp tiếp xúc với một số hóa chất mà sự tích lũy của nó trong cơ thể ảnh hưởng xấu đến chuyển hóa tế bào, dễ gây sẩy thai, đẻ non, nhiễm trùng nhau thai, khuyết tật bẩm sinh, ảnh hưởng xấu tới nguồn sữa mẹ, viêm nhiễm đường hô hấp;

3. Nhiệt độ không khí trong nhà xưởng từ  45oC trở lên về mùa hè và từ 40oC trở lên về mùa đông hoặc chịu ảnh hưởng của bức xạ nhiệt cao;

4. Trong môi trường có độ rung cao hơn tiêu chuẩn cho phép;

5. Tư thế làm việc gò bó, hoặc thiếu dưỡng khí.

 


  • 12/12/2012 07:27
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 11894


Gửi nhận xét