Gỡ vướng trong ngầm hóa lưới điện ở TP.HCM

Là địa phương đi đầu cả nước về ngầm hóa lưới điện, nhưng để đạt mục tiêu đến năm 2020, ngầm hóa 100% lưới điện trung thế và 50-80% lưới điện hạ thế ở khu vực trung tâm, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Còn nhiều thách thức

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, sau gần 10 năm, Tổng công ty đã thực hiện ngầm hóa được 39% lưới điện trung thế và 14% lưới điện hạ thế. Việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin liên lạc không những làm tăng mỹ quan đô thị, giảm tình trạng mất an toàn lưới điện mà nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. 

Dù đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhưng EVNHCMC vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn khi triển khai các dự án ngầm hóa. Cụ thể, các thủ tục thỏa thuận tuyến, thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng,... tuy đã có đổi mới, nhưng nhìn chung vẫn kéo dài, một phần do vỉa hè một số tuyến đường khá chật hẹp, không đủ mặt bằng tái bố trí, lắp đặt thiết bị. Trong khi đó, việc phối hợp hạ ngầm dây thông tin của các doanh nghiệp viễn thông (có đến hàng chục đơn vị) vẫn còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hồi trụ điện.

Phố Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn sau ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông

Đó là chưa kể, sau khi thực hiện ngầm hóa, các thiết bị trước đây lắp trên trụ điện như: Trạm biến thế, thiết bị đóng cắt và các hộp phân phối dây điện, hộp đấu nối dây thông tin phải bố trí lại trên vỉa hè. Mặc dù các vị trí lắp đặt này đã được Sở Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương thống nhất, được sự đồng thuận của đa số các hộ dân, nhưng khi thi công cũng còn gặp nhiều trở ngại, do tâm lý một số người dân không muốn lắp đặt tại vỉa hè phía nhà mình. 

Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp nhà thầu thi công quá giờ quy định, dọn dẹp vệ sinh công trường chưa sạch sẽ, công tác tái lập mương cáp chưa tốt,... ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Đáng nói, một vài trường hợp công nhân nhà thầu thi công có thái độ, lời lẽ thiếu tôn trọng trong quá trình giao tiếp với người dân, ảnh hưởng đến uy tín của EVNHCMC...

Giải pháp nào?

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án lưới điện phân phối EVNHCMC (đơn vị chịu trách nhiệm ngầm hóa lưới điện) cho hay, một trong những yếu tố tiên quyết để làm nên thành công của công tác hạ ngầm, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy mạnh việc tham vấn cộng đồng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế, tạo sự đồng thuận, ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi thực hiện các dự án. Ngoài việc tổ chức tham vấn trước khi thi công, định kỳ mỗi năm, đơn vị cũng sẽ tổ chức báo cáo kế hoạch triển khai các công trình với UBND quận, UBND phường, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương trong quá trình tham vấn và thi công.

Cũng theo ông Khánh, EVNHCMC cố gắng làm tốt hơn nữa công tác lựa chọn những nhà thầu có uy tín, chất lượng. Tổ chức giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất tại công trường, xử lý, chấn chỉnh ngay những trường hợp nhà thầu để xảy ra sai sót, tồn tại, hạn chế tối đa các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công; xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng như, chậm tiến độ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, thi công không đúng thiết kế... Đặc biệt, Tổng công ty sẽ thường xuyên nhắc nhở các nhà thầu phải giáo dục, quán triệt đến từng nhân viên, người lao động luôn nhã nhặn, trọng thị khi giao tiếp với người dân trong quá trình thi công, giữ gìn hình ảnh, uy tín của ngành Điện cũng như của nhà thầu.

Cùng với đó, hàng quý, Ban chỉ đạo ngầm hóa sẽ tổ chức họp giao ban, đánh giá tình hình thi công, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, rút ra các bài học từ các công trình ngầm hóa đã và đang triển khai, lưu ý những tồn tại, bất cập, rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục  cho những công trình tiếp theo… 

Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án ngầm hóa, xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị EVNHCMC rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực của các đơn vị viễn thông; sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân và cộng đồng. 

Kết quả hạ ngầm lưới điện tính đến tháng 6/2018:

- Ngầm hóa 2.748/7.047 km lưới điện trung thế (đạt 39%); trong đó khu vực trung tâm đạt 93%.
- Ngầm hóa 1.817/12.472 km lưới điện hạ thế (đạt 14%); trong đó khu vực trung tâm đạt 32%.

Mục tiêu: 

- Đến năm 2020, lưới điện khu vực trung tâm sẽ được ngầm hóa 100%, các khu vực khác đạt 50-80%; 
- Đến năm 2025, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, trung tâm hành chính các huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp…


  • 20/09/2018 09:56
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 17834