“Tôi được biết các doanh nghiệp thi công đã đào hè, lắp đặt ống kỹ thuật, hạ ngầm dây điện và dây thông tin để bảo đảm cảnh quan đô thị và an toàn hơn cho người dân đi lại. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của thành phố và mong rằng thành phố, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hạ ngầm tất cả tuyến đường để phố phường ngày càng phong quang, sạch đẹp” - chị Lê Xuân Hòa, nhà số 69, ngõ 41 Thái Hà, phường Trung Liệt cho biết.
Còn anh Hải, bảo vệ tại một cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Thái Hà chia sẻ: “Tôi làm bảo vệ ở đây nhiều năm, cũng chứng kiến việc thi công, thanh thải dây, cáp mấy lần, nhưng phải công nhận là đơn vị thi công đào hè lần này làm rất chuyên nghiệp. Họ không chỉ làm nhanh mà hoàn trả mặt bằng cũng rất gọn gàng, vì vậy đã hạn chế sự ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân”.
Người dân rất ủng hộ chủ trương hạ ngầm dây cáp thông tin, điện lực của thành phố, vì cáp điện, thông tin được hạ ngầm bảo đảm an toàn hơn. Đặc biệt, nhiều người dân mong muốn thành phố cho triển khai việc hạ ngầm vào các ngõ, ngách để tạo cảnh quan sạch đẹp.
Qua ý kiến của người dân sống tại tuyến phố Thái Hà - nơi các đơn vị thi công đang triển khai hạ ngầm dây, cáp thông tin, điện lực theo cam kết - có thể dễ dàng nhận thấy sự phấn khởi và ủng hộ mạnh mẽ với chủ trương hạ ngầm, chỉnh trang đô thị của thành phố. Vì điều đó đồng nghĩa, sau khi các công trình ngầm được xây dựng, doanh nghiệp, đơn vị viễn thông, điện lực chỉ được kéo dây, cáp xuống các ống kỹ thuật được đặt trong lòng đất, trả lại sự phong quang cho phố phường. Khi đó, người dân sống tại các khu phố không phải lo ngại từng búi, từng hàng dây điện lực, viễn thông giăng như mạng nhện, thậm chí chùng võng… gây nguy hiểm cho người dân.
Công nhân tiến hành hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực để bảo đảm cảnh quan đô thị sạch đẹp, hiện đại
|
Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp - thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, cả 4 doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT đã đăng ký và được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho triển khai hạ ngầm dây, cáp tại 18 tuyến phố trong năm 2016. Trong đó, VNPT, MobiFone mỗi đơn vị hạ ngầm tại 5 tuyến; Viettel, FPT mỗi đơn vị hạ ngầm tại 4 tuyến. Riêng UBND quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm hạ ngầm dây, cáp trên tuyến phố Phan Huy Chú.
Theo danh mục các tuyến phố dự kiến hạ ngầm dây, cáp giai đoạn 2016-2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố sẽ ngầm hóa tại 180 tuyến phố, với tổng chiều dài 170,1km; trong đó có 115 tuyến phố thuộc địa bàn 4 quận nội thành cũ: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng; 65 tuyến phố thuộc các quận: Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Được biết, hiện các nhà mạng cũng đã đăng ký lộ trình ngầm hóa theo từng giai đoạn. Cụ thể, Viettel dự kiến năm 2017 hạ ngầm 20 tuyến, năm 2018 14 tuyến; FPT dự kiến hạ ngầm năm 2017 thêm 15 tuyến, năm 2018 là 20 tuyến; MobiFone năm 2017-2020 sẽ làm thêm 22 tuyến… Cùng với cáp viễn thông, hệ thống lưới điện trung áp và hạ áp cũng được hạ ngầm.
Theo ước tính của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, khối lượng đầu tư cho hạ ngầm lưới điện rất lớn; chỉ tính riêng tuyến Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà là 30 tỷ đồng, tuyến Giang Văn Minh là 13 tỷ đồng.
Cũng theo ông Lê Hồng Quân, đến thời điểm này, cơ bản các đơn vị như Viettel và Tổng công ty TP Điện lực Hà Nội đang hoàn thành phần việc thi công cuối cùng trên tuyến Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà và Giang Văn Minh.
"Thành phố cũng đã linh hoạt giao công việc hoàn trả mặt bằng (lát lại hè, di chuyển, trồng cây xanh…) cho đơn vị chuyên ngành thực hiện. Do vậy, tiến độ triển khai hạ ngầm, từ việc cấp phép đến thi công được nhanh chóng, thuận lợi" - ông Lê Hồng Quân nói.
Theo hanoimoi.com.vn
Share