Theo TS. Phạm Văn Luân giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Đại học Văn hóa TP.HCM, văn hóa doanh nghiệp là phải giúp công ty phát triển theo chiều hướng tích cực. Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ tạo môi trường cho nhân viên thực hiện mong muốn cống hiến nhiều hơn, năng suất hiệu quả công việc tăng lên.
Thực tế, không ít công ty, nhân viên có thái độ khép nép, sợ sệt mỗi khi thấy lãnh đạo. Môi trường làm việc tại doanh nghiệp đó khá quy củ, tuy nhiên, nhân viên ít có sự sáng tạo mà thường theo khuôn mẫu, quy định đã ban hành.
TS. Luân cho rằng, trong trường hợp nhân viên sợ sệt thì chỉ làm việc đúng nhiệm vụ được giao, không nỗ lực, lâu dần đánh mất khả năng sáng tạo. Điều này sẽ tạo ra môi trường làm việc tẻ nhạt, nhân viên khép nép, không dám đưa ra ý kiến đóng góp cho sự phát triển chung. Từ đó công ty có thể “dậm chân tại chỗ”, hoặc nếu phát triển cũng không cao.
Nhưng không phải lúc nào sự thoải mái cũng tốt và sự nghiêm khắc cũng khiến nhân viên cảm thấy khó chịu. Một giám đốc công ty marketing chia sẻ, ban đầu do đặc thù của công việc cần sự năng động, sáng tạo nên anh đã coi nhân viên như thành viên trong gia đình nhằm cho họ sự thoải mái để tận tụy, gắn bó, cống hiến cho công ty. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh nhận thấy nhiều nhân viên không tuân thủ nội quy, nhiều người vô tổ chức, vô kỷ luật, thường kiếm cớ về sớm, đi trễ, thậm chí làm việc riêng trong giờ làm. Từ đó, anh nhận ra, sự dễ tính quá trong quản trị không phải là tốt mà cần phải dung hòa cả hai.
“Nếu nội quy công ty quá khắt khe, sếp chuyên quyền, độc đoán, nhân viên sẽ không thoải mái. Tuy nhiên, nếu sếp quá thoải mái, để cho nhân viên tự do thì công ty sẽ không có nội quy, không đạt chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI). Vì thế, cần có sự dung hòa của hai thái cực sao cho phù hợp với doanh nghiệp. Tự do nhưng phải trong khuôn khổ cho phép. Nghiêm khắc là để đảm bảo chất lượng công việc. Còn ngoài đời, sếp nên xuề xoà, tình cảm thì nhân viên sẽ thấy gần gũi, muốn gắn bó với đơn vị mình đang làm việc” - giám đốc một công ty marketing chia sẻ.
Cũng có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp la lối, nạt nộ nhân viên khi họ sai. Điều này sẽ tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực. Nếu lãnh đạo quá nghiêm khắc với nhân viên, nhân viên cảm thấy áp lực, mất niềm tin, thiếu sự tôn trọng cần thiết với lãnh đạo, sẽ có xu hướng trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, hoặc làm việc chỉ để đối phó. Nhưng nếu lãnh đạo doanh nghiệp quá mềm mỏng, nhún nhường với đối tác và khách hàng thì đối tác và khách hàng sẽ không coi trọng và tôn trọng công ty, có thể lợi dụng hoặc đưa ra những yêu cầu cao hơn thực tế. Điều này khiến công ty sẽ mất dần uy tín và thị phần, mất cân bằng giữa lợi ích của mình và của đối tác, khách hàng, có thể dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột. Tình trạng này còn dẫn đến sự “so bì tâm lý”, khiến nhân viên nghi ngờ về năng lực và văn hóa ứng xử của lãnh đạo, từ đó mất niềm tin và động lực làm việc.
“Môi trường làm việc sẽ không tốt nếu lãnh đạo doanh nghiệp có quan niệm và cách hành xử “hai mặt”. Lãnh đạo doanh nghiệp nên có phong cách quản lý linh hoạt, biết lắng nghe và tôn trọng nhân viên, đối tác và khách hàng. Lãnh đạo doanh nghiệp phải có kỹ năng giao tiếp, đàm phán, xử lý và xây dựng niềm tin. Như vậy, công ty mới có môi trường lành mạnh, hiệu quả và hài hòa.
Để tạo môi trường công sở văn minh, góp phần thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp phát triển, lãnh đạo doanh nghiệp nên có cách ứng xử thể hiện sự tôn trọng và công bằng, thúc đẩy giao tiếp “mở” dựa trên tinh thần “hợp tác đội nhóm”, tạo điều kiện để phát triển năng lực của nhân viên. Đồng thời, cần minh bạch và trung thực để xây dựng môi trường làm việc tích cực, đoàn kết, vui vẻ. Khi vui vẻ, nhân viên xem công ty như ngôi nhà thứ hai”, TS. Luân nói.
Link gốc