Để dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch, Trung Quốc đang giải quyết nhu cầu công nghiệp bằng điện hạt nhân thay vì điện từ than đá. Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) xác nhận, nhà máy điện hạt nhân Tianwan ở tỉnh Giang Tô đã bắt đầu cung cấp hơi nước cho Cơ sở Công nghiệp Hóa dầu Liên Vân Cảng, Interesting Engineering hôm 21/6 đưa tin.
Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, Trung Quốc đang sử dụng nhiều giải pháp và đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch. Nước này đã xây dựng một số nhà máy điện mặt trời lớn hàng đầu thế giới, đồng thời đầu tư mạnh vào xây nhà máy điện hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân hướng đến việc đáp ứng nhu cầu công nghiệp về nhiệt và điện, thay thế nhiệt điện than vốn giúp Trung Quốc phát triển suốt nhiều thập kỷ.
Năm 2022, Trung Quốc triển khai dự án cung cấp hơi nước bằng điện hạt nhân với chi phí 108 triệu USD. Đến nay, việc xây dựng dự án đã hoàn tất và nhà máy bắt đầu hoạt động vào tuần này.
Dự án hơi nước điện hạt nhân mang tên Heqi No 1 do CNNC xây dựng. Dự án sử dụng điện hạt nhân để biến nước thành hơi trong máy áp suất cao (cỗ máy đun sôi nước từ một nhà máy khử mặn). Hơi nước sau đó được đưa đi khoảng 23 km, qua đường ống trên mặt đất đến Cơ sở Công nghiệp Hóa dầu Liên Vân Cảng. Tại đây, sau khi đi qua nhiều hệ thống trao đổi nhiệt, hơi nước sẽ được sử dụng cho nhu cầu sưởi ấm.
Để tăng tính an toàn, dự án sẽ liên tục theo dõi mức độ phóng xạ của hơi nước và ngừng hoạt động ngay lập tức khi phát hiện bất thường, CNNC cho biết. Khi hoạt động hết công suất, dự án có thể cung cấp gần 5 triệu tấn hơi nước hàng năm cho cơ sở công nghiệp.
Nhờ chuyển từ than sang điện hạt nhân, Heqi No 1 ước tính giúp giảm tiêu thụ 400.000 tấn than. Điều này có thể giúp giảm hơn một triệu tấn CO2, 184 tấn SO2 và 263 tấn khí thải nitơ oxit. Với ngành hóa dầu, việc Heqi No 1 đi vào hoạt động cũng cho phép tiết kiệm hơn 700.000 tấn khí thải theo hạn ngạch carbon, vốn đòi hỏi phải trồng cây trên diện tích 2.900 ha.
Link gốc