Ông Văn Tiến Hùng
|
PV: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam nói chung, EVN nói riêng trong việc đưa điện tới 100% số xã trên toàn quốc?
Ông Văn Tiến Hùng: Theo tôi, việc đưa điện tới 100% số xã là một thành tựu lớn của Chính phủ Việt Nam nói chung và của EVN nói riêng. Tôi nhớ, cách đây hơn 10 năm (năm 2007), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ngay sau khi nhậm chức đã đến Việt Nam và đi tìm hiểu Dự án Năng lượng nông thôn. Chủ tịch WB đã đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong Chương trình Điện khí hóa nông thôn. Sau đó, rất nhiều nước trong khu vực cũng như từ châu Phi đã đến Việt Nam tìm hiểu, học tập để triển khai điện khí hóa nông thôn tại nước mình.
Để có được thành công này, theo tôi, có ba yếu tố quyết định. Một là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng như tất cả các cấp chính quyền Trung ương đã hoạch định chính sách phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả, thực hiện mục tiêu theo lộ trình, ưu tiên theo khu vực. Hai là, Việt Nam đã xây dựng được chiến lược điện khí hóa nông thôn rất hoàn thiện với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”, từ đó đã huy động được toàn bộ lực lượng cũng như sức mạnh tập thể trong công cuộc điện khí hóa nông thôn. Cuối cùng, EVN với vai trò là doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để sớm đạt được mục tiêu đề ra.
PV: Với những đặc thù về kinh tế, xã hội, địa lý của Việt Nam, theo ông, EVN đã phải đối mặt với khó khăn nào trong quá trình đưa điện lưới quốc gia tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa?
Ông Văn Tiến Hùng: Thời điểm năm 2006, EVN có thí điểm đưa điện về 8 xã vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau khi tổng kết chương trình, các chuyên gia đánh giá hiệu quả xã hội, an ninh quốc phòng đối với các địa phương đó rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp lại rất thấp, trong đó có những xã, theo tính toán, phải đến 100 năm sau mới có thể hoàn vốn, thậm chí có thể không bao giờ thu hồi được vốn đầu tư.
Tôi thấy, trong quá trình điện khí hóa nông thôn, EVN gặp khó khăn lớn là vốn đầu tư, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, do mật độ dân cư thấp, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, chi phí kéo điện cho một hộ nhiều nơi lên đến hơn 100 triệu đồng/hộ. Đây là số tiền rất lớn và là thách thức không nhỏ đối với EVN. Tiếp theo, hiệu quả kinh tế thấp, do vốn đầu tư cao, nhưng lượng điện năng tiêu thụ rất thấp, có những hộ tiền điện chưa đến 10.000 đồng/tháng, trong khi chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, quản lý vận hành tốt kém hơn rất nhiều, EVN gần như phải bù lỗ. Ngoài ra, do dân cư thưa thớt, phân tán, địa hình chia cắt, mưa bão lũ thường xuyên xảy ra, nên việc vận hành bảo dưỡng, thu tiền điện là rất khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn hơn, từ đó, gây không ít khó khăn cho quá trình tăng năng suất lao động của EVN.
PV: Trên thế giới có nhiều quốc gia có nền kinh tế tương tự Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu này chưa, thưa ông?
Ông Văn Tiến Hùng: Tôi cũng có dịp đi nhiều nước và nhận thấy, với điều kiện kinh tế tương tự như Việt Nam, nhưng rất ít quốc gia có thể làm được như Việt Nam là đưa điện đến 100% số xã và gần 99% số hộ được sử dụng điện. Chúng tôi chưa có số liệu thống kê mới nhất, nhưng đến hết năm 2016 trên thế giới, tính trung bình có 87,35% số hộ dân được sử dụng điện, đối với các nước có thu nhập trung bình là 90,9%, một số nước có trình độ tương đương Việt Nam như Indonesia 97,6%, và Philipin là 91%. Có thể nói đây là thành quả hết sức to lớn mà Việt Nam đã làm được và hoàn toàn là hình mẫu để nhiều quốc gia học tập, làm theo.
PV: Xin ông cho biết, những năm qua, WB đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong tiến trình đưa điện về nông thôn?
Ông Văn Tiến Hùng: WB ngay từ khi nối lại quan hệ với Việt Nam (đầu những năm 2000) đã nghiên cứu và triển khai chương trình hỗ trợ dài hạn trợ giúp Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn như: Trợ giúp Chính phủ Việt Nam duy trì đà phát triển của chương trình điện khí hóa nông thôn; cung cấp nguồn tài chính thông qua 4 dự án trực tiếp cho lưới điện nông thôn tương đương với 720 triệu USD; hỗ trợ 18 dự án cho ngành Điện nói chung với tổng số vốn tương đương với khoảng trên 4 tỷ USD. Ngoài ra, WB còn thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho lưới điện nông thôn; phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu các phương thức quản lý lưới điện nông thôn; đào tạo được 2.100 học viên, bao gồm các hệ trung cấp và cao đẳng điện (hệ dài hạn) và 3.600 học viên hệ ngắn hạn về các kỹ năng quản lý, kinh doanh, chăm sóc khách hàng cho EVN…
PV: Trong thời gian tới, WB có hỗ trợ cho Việt Nam nói chung và EVN nói riêng trong việc đưa điện tới những hộ dân chưa có điện hay không, thưa ông?
Ông Văn Tiến Hùng: EVN đã và đang là đối tác quan trọng của WB, nên chúng tôi vẫn cam kết sẽ hợp tác tích cực với EVN trong mọi lĩnh vực, từ trợ giúp về mặt kỹ thuật cho đến đầu tư, hay cung cấp điện cho khoảng 1% số hộ dân chưa có điện. Khi nào có yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, của EVN, chúng tôi luôn sẵn sàng và tin tưởng sẽ hỗ trợ cho chương trình, mục tiêu này.
PV: Theo ông, trong việc đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, EVN có những hạn chế nào cần khắc phục?
Ông Văn Tiến Hùng: Theo tôi, EVN đã làm rất tốt công việc của mình.
PV: Theo ông, thời gian tới, EVN cần sự hỗ trợ như thế nào để đưa điện tới 1% số hộ dân còn lại trên cả nước?
Ông Văn Tiến Hùng: Trước mắt, EVN sẽ cần tới một lượng vốn đầu tư rất lớn, cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ cũng như các tổ chức trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kết quả hỗ trợ của WB cho EVN trong lĩnh vực điện nông thôn từ năm 2000 đến nay:
- Cải tạo mở rộng lưới điện cho 1.960 xã, cải thiện chất lương điện năng cho 2,03 triệu hộ dân.
- Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng tại các xã có dự án, từ 30-35% xuống còn 7-10%.
- Tiết kiệm được 450 GWh, giảm phát thải 184,5 nghìn tấn CO2 mỗi năm…
|