Bộ trưởng Bộ Công Thương và Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam ký Ý định thư cho việc hợp tác liên tục, phát triển bền vững ngành Năng lượng ở VN - Ảnh: Hạ An
|
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Các cuộc tham vấn giữa các đối tác phát triển và các cơ quan Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam. Việc này sẽ tạo ra một cơ chế hợp tác mang tính sâu rộng, chặt chẽ hơn; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực; tăng cường hiệu quả trong việc tham vấn cấp cao về chính sách, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các nỗ lực quốc gia và cam kết quốc tế về phát triển bền vững".
Bộ Công Thương (MOIT) và các đối tác phát triển (DPs) chủ trương hợp tác phát triển năng lượng tại Việt Nam trong bối cảnh của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu.
Theo đó, các bên sẽ nỗ lực sử dụng Viện trợ Phát triển (ODA) phù hợp với hệ thống chính sách của các quốc gia. Việc này bao gồm cả những nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư để phát triển năng lượng bền vững, tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại và cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng năng lượng.
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: "Phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi cam kết mạnh mẽ giúp Việt Nam giải quyết thách thức này”.
Tại Hội nghị, Đại sứ Bruno Angelet và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã ký kết Ý định thư cho việc hợp tác liên tục, hướng tới một ngành năng lượng bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.
Cũng trong ngày 21/6, Liên minh châu Âu cùng với Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ai-len, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua, Xlô-va-ki-a, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Chính phủ Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Tuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu: “Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người” và “Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó”, đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (tháng 9/2015), cũng như trong đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam đã được gửi cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.