Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải khả thi, đồng bộ, tổng thể, hiệu quả

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), chiều 15/12.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã đưa ra tiêu chí về kỹ thuật, tính khả thi, pháp lý, hiệu quả kinh tế,… để lựa chọn, đề xuất các dự án nguồn điện, bảo đảm cân đối giữa nguồn (điện khí, điện than, thuỷ điện, sinh khối, điện gió, điện mặt trời) và hệ thống truyền tải.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện có 58/63 tỉnh đã báo cáo về đề xuất dự án nguồn điện sẽ triển khai trên địa bàn, trong đó, mới chỉ có 11 địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Công Thương về tiêu chí sàng lọc, phân loại thứ tự dự án ưu tiên để đưa vào Kế hoạch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, Bộ Công Thương đã trao đổi về từng nhóm vấn đề cụ thể như điều chỉnh phân bổ công suất nguồn cho từng địa phương; các dự án thuỷ điện, điện rác, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời, điện mặt trời áp mái… không phù hợp với tổng công suất nguồn của Quy hoạch điện VIII; chuyển các dự án điện than sang điện khí; điều chỉnh các dự án nguồn điện trong vùng kinh tế-xã hội…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo tiến độ, mục tiêu đặt ra, nhưng không hạn chế sự sáng tạo hay làm mất đi cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm hiệu quả, lợi ích kinh tế 

Trao đổi về đề xuất bổ sung công suất điện khí, thuỷ điện, điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời…, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, tổng công suất nguồn của Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu của các vùng, miền, địa phương, phù hợp với các chỉ tiêu kỹ thuật, cơ cấu giá điện đã được phê duyệt; những vấn đề đặt ra đối với phát triển điện mặt trời áp mái; tiềm năng xuất khẩu điện mặt trời, điện gió…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc triển khai Quy hoạch điện VIII trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành. Tuy nhiên, đến nay đề xuất dự án nguồn điện của nhiều địa phương chưa bảo đảm hết các điều kiện để thực hiện, vượt phân bổ chỉ tiêu công suất.

Đối với nhóm địa phương đã đáp ứng đầy đủ hướng dẫn của Bộ Công Thương về xác định các dự án nguồn điện, đúng chỉ tiêu công suất được phân bổ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đưa vào danh mục dự án trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, có thời gian triển khai, tiến độ, trách nhiệm cụ thể; bảo đảm đồng bộ giữa các nguồn, hiệu quả đầu tư, an ninh an toàn năng lượng…

Đối với các dự án vượt công suất, chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phân loại thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả kinh tế, làm phương án dự phòng khi có dự án trong danh mục gặp rủi ro, bảo đảm thực hiện Quy hoạch đúng theo lộ trình.

Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm ưu tiên điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời áp mái… theo Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn điện khác, bảo đảm an toàn lưới điện. Các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời xuất khẩu trực tiếp, hoặc sản xuất hydro, gắn với thuỷ điện tích năng… được khuyến khích phát triển.

"Bản Kế hoạch phải thực hiện được Quy hoạch điện VIII theo tiến độ, mục tiêu đặt ra, nhưng không hạn chế sự sáng tạo hay làm mất đi cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm hiệu quả, lợi ích kinh tế", Phó Thủ tướng lưu ý.

Link gốc


  • 18/12/2023 11:30
  • Theo Báo Điện tử Chính phủ
  • 4034