Sau các dự án (DA) đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo như: Cô Tô (Quảng Ninh); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang)... Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiếp tục triển khai nhiều DA khác đưa điện đến các xã đảo gần bờ. Mới đây nhất là DA cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn (H.Kiên Hải, Kiên Giang) khởi công vào ngày 4.9. Công trình sẽ giúp người dân đảo Lại Sơn có điện quốc gia sử dụng ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2016.
Công nhân Điện lực huyện Côn Đảo bảo trì đường dây - Ảnh: Tú Uyên
|
Hướng ra biển đảo
Một trong những địa phương được đầu tư kéo lưới điện quốc gia ra các xã đảo giai đoạn 2015 - 2020 là Kiên Giang. Với bờ biển dài 200 km, Kiên Giang có 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên 5 quần đảo giàu tiềm năng kinh tế. Đến nay, tỉnh này đã có huyện đảo Phú Quốc được cấp điện lưới quốc gia từ tháng 2/2014 bằng tuyến cáp ngầm 110 kV dài 55,9 km vượt biển Hà Tiên - Phú Quốc; xã đảo Hòn Tre (Trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải) được cấp điện lưới quốc gia từ tháng 2.2015 bằng đường dây 22 kV dài 13 km vượt biển trên không từ Thổ Sơn - Hòn Tre. Các xã đảo còn lại đang sử dụng nguồn phát điện diesel tại chỗ. Đây là hình thức cấp điện vừa hạn chế về năng lực cung cấp điện, gây ô nhiễm môi trường, chi phí phát điện rất cao, hằng năm ngân sách phải bù lỗ một khoản không hề nhỏ.
Trước tình hình này, EVN giao cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai lập DA kéo đường điện trung áp đưa lưới điện quốc gia ra các đảo gần bờ của Kiên Giang. DA không chỉ cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt cho 6.800 hộ dân thuộc 7 xã đảo, mà còn có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó tổng giám đốc EVNSPC, cho biết DA cấp điện cho các đảo ở Kiên Giang được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2015 - 2016) xây dựng đường dây 110 kV nối từ huyện An Minh ra xã đảo Lại Sơn dài 24,5 km. Đây là đường dây điện vượt biển trên không dài nhất Việt Nam, sẽ bảo đảm điện cho gần 2.000 hộ dân.
Giai đoạn 2 (2016 - 2018), xây dựng các tuyến đường dây 22 kV vượt biển và lưới điện trung hạ áp, trạm biến thế trên các xã Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương); xã Tiên Hải (TX.Hà Tiên) và xã Hòn Thơm (huyện đảo Phú Quốc). Giai đoạn 3 (2018 - 2020) xây dựng các tuyến đường dây 22 kV vượt biển và lưới điện trung hạ thế, trạm biến thế trên các xã đảo An Sơn và Nam Du thuộc quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải).
“Thi công đường dây vượt biển luôn là một thách thức lớn đối với chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngành điện luôn phải nỗ lực hết sức để thi công đúng tiến độ, chất lượng và an toàn tuyệt đối”, ông Lễ nói.
Khó tới đâu cũng phải làm
Theo EVN, thách thức lớn nhất trong việc đưa điện lưới ra các vùng biển, đảo là điều kiện thi công rất phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt; việc vận chuyển vật tư, thiết bị gặp khó khăn và tốn kém. Việc thiết kế, thi công các công trình trên biển phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, địa hình. Ở nhiều dự án đã và đang thi công, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng móng cột điện cao hơn 10 m ở mép đảo, vách núi dựng đứng. Chỉ tính riêng khâu vận chuyển vật liệu xây dựng đã hết sức khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó, việc huy động vốn khi thực hiện các dự án trên cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, điều bù lại là những huyện đảo sau khi được cấp điện lưới quốc gia như: Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… đều có sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế; thu hút đầu tư; đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Các DA đi vào hoạt động cũng đã tiết kiệm khoản chi phí rất lớn, giảm gánh nặng cho ngân sách hằng năm.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, đưa điện lưới quốc gia ra các đảo là chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo mà trên hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền. “Vì vậy dù có khó mấy EVN cũng phải làm”, ông Thành nói.
Theo thanhnien.com.vn
Share