Khai thác tiềm năng phát triển năng lượng, đảm bảo cung ứng đủ điện cho tỉnh Gia Lai

Ngày 21/7, Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Tham gia buổi làm việc có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Giám sát; cùng các thành viên đoàn công tác Quốc hội.

Về phía tỉnh Gia Lai có ông Hồ Văn Niên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Châu Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Gia Lai; ông Trương Hải Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai.

Đại diện EVN có Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, lãnh đạo các đơn vị thuộc EVN trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Gia Lai – địa phương nhiều tiềm năng phát triển năng lượng

Theo báo của UBND tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016 - 2021, ngành Điện đã cung ứng trên địa bàn tỉnh khoảng 6.828 triệu kWh, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; đồng thời, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng khu vực, quốc gia.

Hiện trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW (trong đó đã đưa vào vận hành khoảng 3.005MW), cùng với 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480MW. Trong giai đoạn 2116 - 2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.

Về phát triển lưới điện, hệ thống lưới điện của tỉnh đã được quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện với nhiều cấp điện áp từ 22 - 500kV, có quy mô, khối lượng tương đối lớn; góp phần bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của tỉnh, công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và với hệ thống điện quốc gia ở mức cao, đồng thời, bảo đảm khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu 

Đối với năng lượng cho vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh cho biết, nhờ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thành viên, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện bằng các dự án cấp điện nông thôn và vốn sửa chữa hằng năm của Công ty Điện lực Gia Lai. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 220/220 xã, phường, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia; có 181/182 xã đạt tiêu chí số 4 điện nông thôn, đạt tỷ lệ 99,45%.

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh tiết kiệm được 126 triệu kWh, đạt 2,02% tổng giá trị điện thương phẩm.

Trong báo cáo của UBND tỉnh, cũng chỉ một số tồn tại, hạn chế; và đưa ra các định hướng phát triển năng lượng trong thời gian tới; các kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện giúp đỡ EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất và cung ứng điện cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 6,76%/năm.

Tỉnh Gia Lai là địa phương có nguồn thủy điện lớn với tổng công suất gần 2.000 MW, trong đó các nhà máy thủy điện do EVN đầu tư với tổng công suất khoảng 1.500 MW. Ngoài ra, có khoảng 1.100 MW nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào trong giai đoạn 2019- 2021. Các dự án NLTT được xây dựng và đưa vào vận hành nhanh chóng, trong khi việc quy hoạch, phát triển lưới điện cần thời gian, do đó, gây ra những khó khăn, thách thức nhất định trong công tác vận hành hệ thống điện truyền tải.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai - Hồ Văn Niên phát biểu về tình hình phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh

Để đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các nhà máy điện cũng như đáp ứng nhu cầu phụ tải cho phát triển kinh tế, xã hội, các đơn vị trong EVN đã hoàn thành đóng điện 6 công trình lưới truyền tải 500kV – 220 kV và 9 công trình lưới 110 kV theo Quy hoạch được phê duyệt, cơ bản đáp ứng được phụ tải. Đối với các dự án NLTT chuyển tiếp trên địa bàn tỉnh, EVN đã và đang nỗ lực tối đa, phối hợp, tạo mọi điều kiện để các chủ đầu tư dự án hoàn thành các thủ tục nhằm đưa các dự án NLTT chuyển tiếp này vào vận hành trong thời gian sớm nhất, trên tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, EVN đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các Sở Ban Ngành, UBND các địa phương hỗ trợ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng như hỗ trợ các đơn vị trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình lưới điện khi các đơn vị trình hồ sơ.

Đối với đề nghị của tỉnh Gia Lai về việc sớm triển khai tiểu dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối các quận, huyện tỉnh Gia Lai, lãnh đạo EVN cho biết, trong thời gian qua, mặc dù không còn nguồn vốn ODA, Tổng công ty Điện lực miền Trung nỗ lực tiếp tục huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án nâng cấp và cải tạo lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình tài chính của EVN gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng lại rất lớn. Do đó, EVN kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai, báo cáo Chính phủ, các Bộ xem xét bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển các dự án lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải báo cáo về tình hình cung ứng điện, giải tỏa công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Nhiều nỗ lực đáng ghi nhận

Ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát đánh giá, trong giai đoạn 2016- 2021, tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Với tiềm năng lớn, địa phương đã chủ động trong thực hiện quy hoạch năng lượng.

Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được tỉnh thực hiện tương đối tốt, bài bàn. Nhờ đó, tỉnh đã phát huy được lợi thế để triển khai phát triển năng lượng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 7,55%. Gia Lai là địa phương có diện tích rộng nên việc phát triển được lưới điện quy mô lớn, cung cấp điện cho 100% số xã, phường là nỗ lực rất lớn.

Đoàn công tác cũng ghi nhận về sự phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên cũng cần xem xét về tính đồng bộ trong phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải. Cùng đó, một số cần đề còn hạn chế như: Vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý dự án điện…

Ông Bùi Văn Cường đề nghị, tỉnh Gia Lai cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch năng lượng tại địa phương. Phải làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính để các dự án năng lượng được triển khai nhanh chóng, thuận lợi trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục chú trọng vấn đề an toàn điện, an toàn hồ đập để đảm bảo an toàn cho người dân. Làm tốt công tác giải phóng, đền bù, chăm lo sinh kế cho người dân vùng dự án năng lượng…

Phó Trưởng đoàn giám sát cũng cho biết, đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị trong buổi làm việc và sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện cho Tỉnh tiếp tục phát triển năng lượng hiệu quả.


  • 21/07/2023 11:02
  • Huyền Vũ
  • 4478