Khẩn trương khắc phục thiệt hại bão số 8, nhanh chóng cấp điện cho nhân dân

Khi cơn bão số 8 đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Bắc còn chưa dứt, ngày 29/10, phóng viên evn.com.vn đã có mặt tại Nam Định, Thái Bình  những địa phương nơi tâm bão đi qua. Cơn bão đã gây ra những hậu quả to lớn khiến nhiều người bị chết, hàng nghìn nhà cửa bị tốc mái hư hỏng nặng, hệ thống lưới điện bị thiệt hại nghiêm trọng.

Con đường từ thành phố Nam Định về huyện Giao Thủy khoảng 40 km, nhưng chúng tôi phải đi mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Khi cơn bão số 8 càn quét, những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi cũng bị đánh bật, những hàng cột điện bị gãy, nghiêng, đổ ra giữa đường.

Trời đã xẩm tối nhưng công nhân Công ty Điện lực Nam Định vẫn khắc phục sự cố do cơn bão số 8 gây ra -ảnh PV

Chúng tôi có mặt tại trụ sở Điện lực Giao Thủy khi trời vừa xẩm tối. Tổng đài chăm sóc khách hàng 0350.8680.555 của Điện lực Giao Thủy liên tục đổ chuông và cuốn sổ nhật ký trực ca đã dày lên rất nhiều. Cứ sau mỗi cú điện thoại, một tổ 3 đến 5 anh em lại xuống hiện trường.

Anh Lương Tiến Dũng, tổ trực điều độ (Điện lực Giao Thủy) chia sẻ: “Số lượng cuộc gọi những ngày này đến tổng đài rất nhiều. Khách hàng gọi đến để thông báo về cột điện gãy, đổ, phản ánh về tình trạng mất điện, hoặc hỏi thông tin khi nào có điện, hay nhờ tư vấn sử dụng thiết bị thay thế khi mất điện…”

21 giờ ngày 29/10. Chúng tôi theo chân anh Trần Văn Thiết – Đội trưởng đội quản lý khu vực Ngô Đồng (Điện lực Giao Thủy) đến cột xuất tuyến xã Hoành Sơn khi vừa nhận được thông tin từ tổ trực điều độ về sự cố đổ cột. Anh Thiết cho biết: “Những ngày có bão và đặc biệt là sau khi bão qua là những ngày vất vả nhất của anh em công nhân ngành Điện. Hầu như quân số của cả Điện lực đều túc trực 24/24 để khi nhận được thông tin có sự cố là phải đến xử lý nhanh và kịp thời để cấp điện cho nhân dân”.

Ngay cạnh đó, các công nhân của Trạm 110kV E313 Giao Thủy – Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc cũng đang tích cực dựng lại cột chống sét và xử lý những hậu quả mà bão số 8 gây ra. Anh Vũ Văn Hùng, Trạm trưởng chia sẻ: “Bão đã gây đổ cột chống sét, rơi vào hệ thống thanh cái cứng mạch 172 của trạm. Sau khi nhận được vật tư từ Công ty, chúng tôi đã nhanh chóng cho anh em xử lý để cấp điện cho khu vực. Dự kiến 12 giờ đêm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành xong việc dựng cột chống sét”.

Chúng tôi rời Giao Thủy khi đã đồng hồ đã 23 giờ 30 phút để tiếp tục hành trình đến với quê lúa Thái Bình –  một trong những địa phương được đánh giá là thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 8 này.

Mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Điện - ảnh PV

Tại Thái Bình, qua cầu Tân Đệ sang huyện Vũ Thư, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa bị đổ rạp, những cây cổ thụ còn đứng vững trước gió bão chỉ đếm được trên đầu ngón tay và càng đi sâu vào thành phố Thái Bình thì càng thấy rõ những thiệt hại do bão.

Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy cơn bão nào to như vậy! Bão rất mạnh. Thời gian càn quét rất dài gần 10 tiếng đồng hồ gây thiệt hại nặng nề cho ngành Điện. Gần 1.000 cột điện trung thế và hơn 10.000 cột hạ thế bị nghiêng đổ, hơn 20.000 công tơ bị rơi, hỏng, trung bình mỗi xã có khoảng 8 km (Công ty Điện lực Thái Bình quản lý lưới điện 186 xã) đường dây hạ thế bị đứt, hỏng. 4 huyện bị thiệt hại nặng nề nhất là Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy và Kiến Xương”.

Mặt vẫn còn lấm lem bùn đất khi đang khắc phục sự cố tại trạm biến áp thuộc địa phận xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, anh Nguyễn Văn Bình – Công nhân quản lý vận hành cho biết: “Anh em ở đây làm việc không quản ngày đêm, buổi trưa chỉ tranh thủ ngừng tay ăn bánh mỳ để cố gắng khắc phục cho nhanh sự cố. 3 hôm nay, ngày nào tôi cũng 12 giờ đêm mới nghỉ”.

Ngành Điện Thái Bình đang nỗ lực làm việc không kể ngày đêm để nhanh chóng cấp điện cho nhân dân - ảnh pv

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Điện lực Kiến Xương cho hay: Chúng tôi tập trung toàn bộ nhân lực, kể các các chị em phụ nữ để ra quân khẩn trương khắc phục sự cố, cố gắng cấp điện nhanh nhất cho nhân dân nhưng vẫn giữ vững phương châm “Cấp điện đảm bảo tuyệt đối an toàn”. Đồng thời, ngành Điện cũng ưu tiên cấp điện phụ tải quan trọng như: Trạm bơm đầu mối, các cơ quan chỉ đạo điều hành chỉ đạo, các cơ quan báo đài, các cơ quan thiết yếu như trường học, bệnh viện, bưu điện…

Cơn bão số 8 đã đi qua, thời tiết thì đã khô ráo trở lại nhưng những công nhân ngành Điện vẫn ứng trực 24/24 để nhanh chóng có mặt tại nơi xảy ra sự cố để khắc phục kịp thời.

Đây thực sự là nỗi vất vả rất lớn, nhưng cũng là trọng trách, là niềm vinh hạnh của những công nhân mặc áo cam.

Mời độc giả xem video "Khi áo cam chống chọi với bão số 8"


  • 30/10/2012 09:42
  • Xuân Tiến
  • 3823


Gửi nhận xét