Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương PCTT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 4 - Ảnh Huyền Thương
|
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, 4 giờ ngày 25/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 290 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 9 - 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Chiều tối nay (25/7), bão đi vào Hà Tĩnh - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 25 - 27/7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, phổ biến 100 - 250 mm cả đợt.
Hiện tại khu vực Bắc Trung Bộ có 17 hồ chứa thủy điện, trong đó có 2 hồ chứa vận hành theo quy trình liên hồ xả qua tràn, lưu lượng xả qua hồ thủy điện Khe Bố 170 m3/s, Hủa Na là 210 m3/s. Có 4 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn, lưu lượng xả hồ Bá Thước 1 là 330 m3/s, Bá Thước 2 là 230 m3/s, Trung Sơn 290 m3/s và Nậm Pông 19 m3/s.
Tại Hội nghị, 6 địa phương có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 4 gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã báo cáo phương án chuẩn bị ứng phó, trong đó đã thành lập các đoàn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn kiểm tra, đặc biệt là các vị trí trọng điểm đê điều, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các công trình điện, giao thông, y tế…
Kết luận tại Hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương PCTT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Dự kiến bão số 4 đổ bộ vào khu vực Bắc Trung bộ với trọng tâm từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, đây là khu vực vừa bị thiệt hại nặng nề do bão số 2 gây ra và đang trong giai đoạn khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng. Nền đất yếu, nước vẫn chưa thoát hết, nên đây là khu vực xung yếu nhất. Vì thế, dù bão số 4 được dự báo nhẹ hơn bão số 2, lượng mưa ít hơn, nhưng tất cả các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không thể chủ quan”.
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương PCTT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cánh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Sẵn sàng phương án bố trí sẵn lực lượng kiểm soát giao thông tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập sâu do lũ; sẵn sàng phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu.
Để ứng phó với bão số 4 - Bộ Công Thương yêu cầu:
1. Đối với các nhà máy thủy điện
- Vận hành hồ chứa đúng quy trình liên hồ, đơn hồ; thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và vận hành xả lũ.
- Kiểm tra hồ, đập, nguồn điện, vật tư dự phòng… để sẵn sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống đảm bảo an toàn hồ đập.
- Quan trắc, dự báo, theo dõi lưu lượng về hồ để chủ động vận hành hố chứa an toàn, hiệu quả.
2. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện… sẵn sàng khắc phục nhanh mọi sự cố do mưa lũ gây ra, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng.
- Chỉ đạo các đơn vị truyền tải, phân phối điện kiểm tra công trình điện lực; sửa chữa, gia cố các điểm xung yếu.
- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nội dung tại yêu cầu trên.
|