Trước khi mua máy, bạn nên thống kê các thiết bị cần dùng điện để mua đúng công suất, tránh lãng phí - Ảnh: TG
|
Nhiều gia đình sử dụng máy năng lượng mặt trời
Trên thị trường hiện có nhiều loại máy phát điện cho người tiêu dùng chọn. Các loại máy phát điện năng lượng gió hầu hết được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). Máy phát điện năng lượng mặt trời được sản xuất trong nước nhưng chủ yếu sử dụng công nghệ nước ngoài với các hãng Schott, Kyocera, Suntech, Xantrex, SMA, Samlex, Samtrix... Những bộ sản phẩm phát điện mini dành cho gia đình giá từ 2 – 10 triệu đồng, có công suất từ 300W - 1.000W đủ dùng cho các thiết bị đèn, quạt, tivi từ 4 - 6 tiếng.
Anh Đức Vinh – nhân viên Công ty TNHH Phú Lễ (Hà Nội) chuyên cung cấp máy phát điện năng lượng mặt trời (NLMT) cho biết: Trước đây máy phát điện NLMT chủ yếu lắp đặt tại các công trình lớn, nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình cũng mua về sử dụng. Máy NLMT giá cao hơn máy xăng nhưng có nhiều tiện ích: Thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn, độ bền từ 15 – 20 năm.
Việc sử dụng máy NLMT cũng rất đơn giản. Khi có ánh nắng hệ thống phát điện, bộ điều khiển sạc sẽ sạc điện vào hệ thống ắc quy trữ. Điện từ ắc quy sẽ được chuyển từ một chiều thành xoay chiều đưa tới các thiết bị sử dụng. Ngoài việc “chữa cháy” khi mất điện, máy phát NLMT có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền điện hàng tháng cho gia đình, nhất là những tháng hè nắng gắt. “Với hộ gia đình dùng các thiết bị bình thường có thể lắp loại 300W, giá khoảng 40 triệu, sẽ cung cấp 2kWh điện/ngày, tức bằng khoảng 1/5 nhu cầu điện của một hộ gia đình 5-8 người. Hệ thống này sẽ giảm 1/3 chi phí tiền điện trong những tháng cao điểm…”, anh Vinh cho biết.
Hạn chế lớn nhất của loại máy phát điện NLMT là phụ thuộc vào thời tiết, vì máy chỉ phát điện khi có nắng. Bởi vậy, nên lắp máy ở những nơi có thể thu được nhiều ánh sáng mặt trời, tránh cây cối, nhà cao tầng… Để máy đạt hiệu suất cao nhất, hàng tháng bạn nên bảo dưỡng lau rửa các lớp bụi bẩn bám lên bề mặt của tấm pin mặt trời. Bên cạnh đó cần kiểm tra thường xuyên bộ kích điện - thành phần quan trọng của hệ thống NLMT. Đây là một thiết bị biến đổi điện áp một chiều của bình ắc quy thành điện áp xoay chiều có tần số phù hợp với lưới điện Việt Nam đang sử dụng là 220V, 50Hz. Bộ kích điện được thiết kế với nhiều loại công suất 300-10kVA có thể sử dụng cho từng thiết bị hay cả hệ thống điện trong gia đình.
Máy phát điện dự phòng nạp điện từ điện lưới không ồn cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Máy có thể dùng cho cửa hàng kinh doanh, văn phòng, hộ gia đình… Nguyên lý hoạt động của máy là nạp điện từ điện lưới vào bình ắc quy, khi cúp điện tự động phát điện. Máy có thể sử dụng cùng lúc cho các thiết bị chiếu sáng, quạt máy, máy vi tính, cửa cuốn… Loại máy này có nhiều công suất khác nhau nên khách hàng có thể chọn lựa theo nhu cầu phù hợp. Sản phẩm có công suất 1KVA giá 12 - 23 triệu đồng/máy. Công suất 5KVA có giá 44 - 63 triệu đồng.
Cẩn trọng khi dùng máy phát điện xăng
Máy phát điện chạy bằng xăng và dầu diesel chủ yếu sản xuất lắp ráp trong nước, ngoài ra còn có máy nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Giá bán tùy theo chủng loại và thương hiệu, chẳng hạn: Goldsun 3,4 - 10,8 triệu đồng/chiếc, Elemax Nhật Bản 19,5 - 55,3 triệu đồng/chiếc, Sanda 4,7 - 13,5 triệu đồng/chiếc, Honda 7,4 - 84,6, Hyundai 6,2 - 18,4 triệu đồng/chiếc, Kama 4,5 - 11,5 triệu đồng/chiếc...
PGS.TS Phạm Văn Hoà cho hay, khi dùng máy phát điện, người sử dụng cần hiểu tính năng, công dụng, công suất của máy. Trước khi mua cần thống kê đầy đủ các thiết bị dùng điện để mua đúng công suất, tránh lãng phí. Nếu chỉ dùng vài chiếc quạt, bóng đèn nên mua loại máy có công suất trên dưới 1KW. Còn để duy trì thêm các loại thiết bị như tủ lạnh, điều hòa, bình nóng lạnh... thì cần sử dụng máy từ 8KVA đến 12KVA.
Để tăng tuổi thọ và độ bền cho máy phát điện, người mua nên chọn mua máy có công suất cao hơn công suất tiêu thụ thực tế từ 10% - 25%. Không nên mua máy không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy bảo hành. Khi chọn công suất thấp hơn, máy sẽ chạy quá tải và độ bền máy sẽ không đảm bảo. Tuy vậy, người tiêu dùng cũng không nên chọn máy có công suất quá cao bởi sẽ dẫn đến giá thành cao, máy chạy non tải cũng làm tăng tiêu hao nhiên liệu, giảm tuổi thọ. Muốn máy chạy êm, tiếng ồn nhỏ, không có khói, nên chọn máy dùng động cơ 4 thì chạy xăng. Máy phát điện dùng động cơ 2 thì có tiếng nổ to hơn và có khói nhiều hơn khi khởi động máy.
Nên và không nên khi dùng máy phát điện
Nên
- Nên chọn loại có hệ thống chống ồn.
- Trước khi tiếp nhiên liệu cần tắt máy, vì xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể gây cháy. Chỉ sử dụng loại nhiên liệu được khuyên dùng theo hướng dẫn sử dụng máy phát điện hoặc được ghi trên nhãn máy.
- Một hai tuần nên khởi động lại máy từ 5 - 10 phút dù không sử dụng thường xuyên.
- Từ 50 - 100 giờ chạy máy đầu tiên phải kiểm tra mức nhớt, nước, độ căng dây đai quạt gió; sau 500 giờ chạy máy, kiểm tra và vệ sinh sạch hệ thống làm mát, thay mới dầu nhớt, lọc nhớt.
- Khi lắp đặt nên lắp thêm cầu dao đảo nguồn điện hay tủ chuyển nguồn tự động (ATS) nhằm tránh cho máy bị “xông điện” khi có điện lưới đột ngột.
- Nên đặt máy chỗ thoáng mát, không ẩm ướt.
Không nên
- Không đặt máy ở trong nhà khi vận hành vì dễ bị ngộ độc khí thải CO.
- Không để máy phát điện hoạt động quá tải vì máy có thể nổ hoặc các thiết bị nối với máy sẽ hỏng.
|
Theo Giadinh.net.vn
Share