Một số mẩu chuyện về thực hành tiết kiệm điện của Bác Hồ và những lời dặn của Bác đối với ngành Điện

Sinh thời, Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ, nhân dân về thực hành tiết kiệm điện: “Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp, đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”.

Là Chủ tịch nước, Bác được ưu tiên cấp điện trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng tinh thần dùng điện tiết kiệm của Bác đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập.

Ông Phạm Ngọc Toản, Đại tá Công an về hưu tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam), người đã từng là chiến sỹ cận vệ trung thành bên cạnh Hồ Chủ tịch trong suốt 15 năm cho đến khi Bác đi xa, kể rằng: “Bác vẫn thường dặn anh em cận vệ tắt điện khi ra khỏi phòng”.

Theo ông Toản, vào những ngày hè oi bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ và rất ít khi dùng quạt điện.

Thời gian đầu về Thủ đô, Bác ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ trong Phủ Toàn quyền cũ. Phòng ở hẹp nên mùa hè rất nóng, Bác thường dùng chiếc quạt làm bằng lá cọ. Có lúc thấy Bác ở chật chội, Bộ Ngoại giao đã mua cho Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Nhân lúc Bác đi công tác, anh em phục vụ đã lắp máy điều hòa. Vừa về đến nhà, Bác hỏi cảnh vệ: “Này chú! Hôm nay nhà mình có mùi gì “hôi” quá” (khi lắp máy điều hòa, nhân viên phục vụ dùng lọ nước hoa khô cho thơm phòng). Biết không giấu được Bác, các đồng chí phục vụ phải trình bày lý do về chiếc máy điều hòa. Không thấy Bác nói gì, nhưng đến chiều thì Bác bảo: “Các chú hãy mang chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần”. Thế là ngay chiều hôm ấy anh em phục vụ phải chuyển chiếc máy điều hòa cho anh em thương binh theo yêu cầu của Bác…

Tối 30 Tết năm 1957, thành phố vừa lên đèn thì Bác đến thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Điện Hà Nội ở khu An Dương. Bác vào gia đình công nhân Nguyễn Văn Hào đầu tiên. Thấy Bác, ông sững người, không nói nên lời. Bác tươi cười nắm lấy tay ông: Năm mới, Bác đến chúc Tết các cô chú công nhân Nhà máy điện. Nhà ta ăn Tết có vui không?

Dạ, thưa Bác vui lắm ạ.

Bác lại hỏi: Nhà ta năm nay có gói bánh chưng không?

Bà Tĩnh vợ ông Hào thưa với Bác: Dạ, nhà cháu gói được hai chục chiếc ạ. Bác bảo thế là tốt.

Bác đến trước bàn thờ tiên tổ, hương đang tỏa khói, chắp tay vái, rồi quay ra chúc Tết mọi người. Bác dặn mọi người phải lao động tốt, sản xuất ra nhiều điện cho Tổ quốc và nhớ là phải tiết kiệm điện.

Một đồng chí được ở gần Bác nhiều năm, kể lại: Về việc tiết kiệm điện thì Bác là một tấm gương lớn. Không biết bao nhiêu lần, tự tay Bác đã tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa, khi không có ai dùng cả. Khi ra nước ngoài cũng thế, đi qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Ở trong Phủ Chủ tịch, nhìn thấy ở xa có những chiếc bóng đèn sáng là Bác bảo: Chú đến xem ở đó có cần không, nếu không thì tắt đi cho đỡ lãng phí.

Một đồng chí phục vụ Bác kể lại: Những năm được ở gần Bác, tôi luôn luôn là “cán bộ tắt đèn!”.

Một lần, Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Bảy giờ sáng rồi, xe đang trên con đường Phan Đình Phùng sắp lên cầu Long Biên thì một cơ quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy công việc đang vội, nhưng Bác vẫn bảo đồng chí lái xe dừng lại. Xe đỗ lại rồi, Bác cử một đồng chí cùng đi vào gặp cơ quan ấy nhắc: Bác Hồ đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở cổng, không cần thiết đâu. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn được tắt ngay. Sau khi được Bác nhắc nhở, cơ quan ấy tính lại thấy không cần thiết để ba ngọn đèn ở cổng nữa, bèn tháo luôn để tiết kiệm điện.

Ngay cả khi ra nước ngoài, Bác vẫn luôn giữ thói quen tiết kiệm điện. Đi qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm Ba Lan năm 1957, khi Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân, lúc đó khoảng 9 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, mà 3 chiếc đèn chùm với hàng trăm bóng vẫn sáng trưng, Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ Lễ tân và Người hỏi: "Chỗ tắt điện ở đâu?". Lập tức, mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan nói giọng cảm động: "Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm".

Bác Hồ rất chú ý đến ngành Điện và Bác thường nói điện khí hóa phải đi trước một bước, qua câu chuyện kể trên, chúng ta càng thêm thấm thía về những lời chỉ dạy, nhắc nhở của Bác về thực hành tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và trong xây dựng, phát triển đất nước. Có thể nói, thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của chế độ kinh tế, vì vậy, Người đã chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với CBCNV ngành Điện năm 1954 - Ảnh tư liệu

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã chỉ thị, dù trong trường hợp nào cũng phải chú ý đến điện nước. Nhờ có tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo của Bác cùng sự đấu tranh quyết liệt của các tổ chức đoàn thể cách mạng, đặc biệt của công nhân điện Hà Nội, điều kỳ diệu đã xảy ra, điện ở Hà Nội vẫn sáng, trái với điều những kẻ xâm lược tuyên bố: Pháp rút đi, chỉ một tuần Hà Nội sẽ chìm trong bóng tối.

Và chỉ sau 2 tháng tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Bác gặp gỡ và nói chuyện với toàn thể cán bộ công nhân viên, Người nhấn mạnh: "Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô chú, từ cán bộ đến công nhân đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy được an toàn...  Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, mọi người đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố tiếp tục được duy trì bình thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô chú…". Bác căn dặn cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện đoàn kết thi đua nhằm mục đích để tăng năng suất. Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời, phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Theo Bác, tiết kiệm được một cân than, tăng được một ki - lô - oát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh thắng giặc ngoại xâm, nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống toàn dân.

Kể từ đó đến nay, hàng năm ngày 21/12 đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Điện cách mạng Việt Nam. Trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viện, công nhân viên ngành Điện đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.


  • 18/05/2023 06:17
  • Nguồn tư liệu: Đề cương tài liệu học tập Chuyên đề năm 2023 của Đảng ủy EVN
  • 6719