Nâng niu văn hóa hạnh phúc, nhìn từ Biti’s

Để ngày càng “nâng niu bàn chân Việt”, Biti’s nhiều năm qua lựa chọn nâng niu hạnh phúc của nhân viên bằng văn hóa doanh nghiệp.

“Tôi muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp!”. Đây có lẽ là câu nói mọi nhà tuyển dụng và lãnh đạo doanh nghiệp đều muốn nghe. Nếu môi trường doanh nghiệp không mang đến hạnh phúc cho nhân viên thì câu nói này nhiều khả năng không bao giờ trở thành sự thật.

Môi trường làm việc hạnh phúc do đó trở thành bài toán bắt buộc phải giải đối với lãnh đạo doanh nghiệp và hạnh phúc của đội ngũ nhân sự phải đến trước lợi nhuận. Bởi, không có nhân sự hiệu quả và gắn bó, doanh nghiệp sẽ không có gì. Nếu doanh nghiệp mãi xem nhân sự là yếu tố có thể thay thế thì sẽ mãi chỉ dành thời gian, nỗ lực lẫn tiền của để tìm và thay thế nhân sự, thay vì xây dựng, phát triển tổ chức. Vậy, làm thế nào để nhân viên hạnh phúc và xây dựng được văn hóa doanh nghiệp hạnh phúc? Trong số doanh nghiệp Việt, Biti’s là một trường hợp triển khai văn hóa hạnh phúc đáng tham khảo.

“Để triển khai một cách trơn tru và thành công, Biti’s cũng đã thành lập một Bộ phận Phát triển bền vững được liên kết với nhiều phòng ban, để thay đổi cách thức quản trị. Và, để đánh giá mức độ thành công của kế hoạch, doanh nghiệp cũng lập nên bộ đánh giá với 9 tiêu chí được dựa trên bộ khung của chỉ số GNH (Gross National Happiness) đến từ Bhutan - nơi được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Nâng niu văn hóa hạnh phúc

Trong số 5 giá trị cốt lõi của Biti’s (hạnh phúc, phục vụ, chính trực, đồng đội, cải tiến), hạnh phúc là giá trị đầu tiên, được định nghĩa là sự kết hợp giữa hạnh phúc bên trong cá nhân và hạnh phúc cộng đồng. Với quan điểm “một người không hạnh phúc có thể làm việc rất hiệu quả nhưng thời gian hiệu quả của họ sẽ rất ngắn”. CEO của Biti’s Vưu Lệ Quyên từng chia sẻ: “Chúng tôi đặt “hạnh phúc” trước sự “hiệu quả”, bởi nhân viên của mình có hạnh phúc thì mới đem lại sự hiệu quả lâu dài cho doanh nghiệp”. Trên thực tế, bản thân Biti’s cũng đặt ra tầm nhìn đến 2035 là “trở thành thương hiệu châu Á, nâng niu hạnh phúc cho mọi người”. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, nhiều năm qua doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch Happy Biti’s nhằm xây dựng cộng đồng hạnh phúc trong tổ chức. Kế hoạch này gồm 2 phần, gồm việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng hạnh phúc cho nhân sự và tạo điều kiện để đội ngũ nhân sự có thể thực tập kỹ năng đã học.

Theo đó, kỹ năng hạnh phúc được xác lập thông qua 3 sự kết nối. Kết nối bản thân để hiểu sâu sắc bản thân là ai và điều gì quan trọng nhất với mình. Trong khi đó, kết nối với người khác được tiến hành thông qua lắng nghe sâu và giao tiếp trắc ẩn. Còn kết nối với thiên nhiên được rèn luyện bằng việc dành thời gian để hòa mình vào thiên nhiên, chung sống hài hoà và tôn trọng thiên nhiên. Sau khi đã được học kỹ năng hạnh phúc, nhân sự sẽ thực tập nó thông qua các lớp học trong thiên nhiên, hay vòng tròn chia sẻ tại công ty mỗi tuần 1 giờ vào thứ Sáu. Cụ thể hơn, thứ Sáu hằng tuần, Biti’s sẽ dành 1 giờ làm việc để thành viên trên toàn hệ thống có không gian sinh hoạt vòng tròn hạnh phúc, rèn luyện kỹ năng và cùng kết nối cùng nhau. Hiện, công ty đã có 281 đại sứ hạnh phúc trải qua 9 khóa đào tạo.

Sau khi thực hiện Happy Biti’s, bà Quyên cho biết rất nhiều lợi ích đã được mang đến cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. “Trước đây, cách vận hành doanh nghiệp mang nhiều yếu tố hơi “quân đội’’. Mọi người làm việc bằng nỗi sợ nhiều hơn niềm vui. Nhân viên cũng không hiểu ý nghĩa của công việc và qua đó mình có thể đóng góp gì cho cộng đồng mà chủ yếu vẫn theo hình thức cấp trên giao gì làm nấy”, nữ CEO từng chia sẻ.

Sau 5 năm thực hiện, một trong những điểm sáng mà Happy Biti’s mang lại cho văn hóa hạnh phúc là giảm mạnh tần suất của những cuộc đấu tố nặng nề trong tổ chức, vốn xuất phát từ một số lần ai đó làm sai và cấp trên chưa tạo đủ điều kiện để nhân sự nói hết lý do đằng sau hành động ấy. Bên cạnh đó, chỉ số thâm niên ở Biti’s cũng tăng 123% từ năm 2018 đến 2022 và nhiều nhân sự của DN đã có thâm niên làm việc gắn bó đến hơn 30 năm.

Những nhân sự thiếu gắn bó với doanh nghiệp thường mắc sai sót trong công việc hơn 60% so với người gắn bó. (Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Queen’s và Gallup)

Trên khoảng 60.000 người vào năm 2022 cho thấy môi trường làm việc thiếu hạnh phúc khiến tỷ lệ nhân viên có ý định nghỉ việc cao hơn 250% so với những người cảm nhận được niềm vui nhiều hơn ở công sở. (Khảo sát của Anphabe)

Link gốc


  • 15/04/2024 02:41
  • Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
  • 4147