Ông Ngô Sơn Hải
|
PV: Xin ông cho biết, mùa nắng nóng năm nay vận hành hệ thống điện quốc gia có điểm gì khác biệt hơn so với những năm trước?
Ông Ngô Sơn Hải: Trong đợt nắng nóng cực đoan diện rộng vừa qua, theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), công suất tiêu thụ lớn nhất đạt 41.208 MW, sản lượng điện ngày cao điểm nhất đạt 837,5 triệu kWh, là mức tiêu thụ điện kỷ lục từ trước tới nay.
Tương tự các năm, cứ bước vào mùa cao điểm nắng nóng, EVN đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện. Tuy nhiên, năm nay có một số khác biệt so với mọi năm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đó là tỷ lệ tăng nhanh nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong hệ thống điện quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công công suất đặt của các nguồn điện NLTT khoảng 22.250 MW (bao gồm cả thủy điện nhỏ), chiếm khoảng 31,2% tổng công suất đặt của toàn hệ thống, so với năm 2020 thì quy mô nguồn NLTT đã tăng gấp 2 lần. Với đặc điểm công suất phát hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp và được ưu tiên cung cấp vào hệ thống điện, công tác điều độ hệ thống điện, công tác vận hệ thống lưới điện, vận hành tại các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải khó khăn hơn rất nhiều so với các năm trước đây, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh cung ứng điện cũng như ảnh hưởng đến chi phí chung của toàn hệ thống.
Thứ hai, trong những ngày qua, diễn biến dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, khả năng lây nhiễm cao. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng của EVN. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ điện thay đổi bất thường, ngoài quy luật, khó dự báo để đảm bảo vận hành tối ưu. Một số nhà máy phải dịch chuyển kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa do không có chuyên gia hoặc khó khăn trong việc mua sắm thiết bị. Đặc biệt, tại một số địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, EVN đã phải lên phương án trực ca tập trung, đảm bảo an toàn cho bộ phận trực ca vận hành. Do đặc thù trong công tác vận hành điện, nếu trong nhóm trực ca có người nhiễm COVID-19 thì tình hình sẽ rất phức tạp.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong thời gian qua, EVN đã và đang đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện trong dịp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ ngày 25/01 đến ngày 02/02), Tết Tân Sửu, dịp nghỉ lễ 30/04 và 01/05… Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục chuẩn bị, xây dựng các phương án để đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo điện cho các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế phục vụ điều trị, phòng chống dịch bệnh COVID-19…
PV: Có ý kiến cho rằng dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ điện giảm, từ đó giảm áp lực cho EVN trong việc đảm bảo điện mùa nắng nóng, ông có bình luận gì về ý kiến này?
Ông Ngô Sơn Hải: Thực tế, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tới tập quán sinh hoạt cũng như ảnh hưởng sản xuất của nhiều ngành kinh tế dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện giảm, đã góp phần giảm áp lực về nguồn cung cho ngành Điện. Tuy nhiên, các ảnh hưởng khác của đại dịch COVID-19 tới ngành Điện vẫn nhiều như đã phân tích ở trên.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, sản lượng điện sản xuất năm 2020 chỉ tăng 2,42% so với năm 2019 và bằng 93,8% so với kế hoạch năm do Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 3733/QĐ-BCT ngày 16/12/2019. Với mức tăng trưởng thấp của năm 2020 và dự báo dịch bệnh có thể còn có nhiều diễn biến phức tạp, kịch bản vận hành năm 2021 được xây dựng theo xu hướng thấp, tăng trưởng điện sản xuất của năm 2021 so với năm 2020 chỉ ở mức 6,62 %. Tuy nhiên, trong thực tế Việt Nam đã khống chế dịch bệnh COVID-19 khá tốt, kinh tế vẫn tăng trưởng và nhu cầu phụ tải từ đầu năm đến nay tăng trưởng ở mức 9,38% so với cùng kỳ năm ngoái, đây sẽ là một áp lực cho EVN trong việc đảm bảo điện trong thời gian tới.
PV: Với tình huống dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, tiến độ các dự án điện chậm hơn so với kế hoạch, EVN sẽ thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo cung ứng điện, nhất là trong mùa nắng nóng năm nay, thưa ông?
Ông Ngô Sơn Hải: EVN đã tính toán và xây dựng kịch bản trong tình huống này và để ra một số giải pháp để thực hiện. Trong đó liên tục cập nhật các kế hoạch vận hành, cân đối cung cầu đến hết mùa khô hoặc đến hết năm. Lập các phương án kiểm tra là các kịch bản có nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao, diễn biến thủy văn kém, một số tổ máy lớn sự cố dài ngày… để chuẩn bị phương án đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống. Yêu cầu các đơn vị phát điện, bố trí chuyên gia, dịch chuyển lịch sửa chữa phù hợp, vừa đảm bảo khả năng vận hành tin cậy của tổ máy, vừa đảm bảo mức dự phòng của hệ thống. Các đơn vị phát điện liên tục rà soát và có giải pháp về cung cấp nhiên liệu, đặc biệt là các nhà máy sử dụng nguồn than nhập khẩu.
EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên có các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện để giải toả công suất nguồn năng lượng tái tạo và các công trình lưới điện để đảm bảo cấp điện cho khách hàng. Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các chủ đầu tư sớm đưa các nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ, đặc biệt là các nguồn điện gió trong thời gian tới.
Có thể khẳng định, với sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng EVN sẽ tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm nay.
Công nhân trực vận hành TBA 550kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) trong mùa dịch
|
PV: EVN có khuyến cáo gì với người dân, khách hàng sử dụng điện nhằm chung tay đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn trong mùa nắng nóng năm nay?
Ông Ngô Sơn Hải: Để giảm bớt những khó khăn trong cung ứng điện trong mùa nắng nóng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng sử dụng điện, chính quyền và nhân dân các địa phương.
EVN khuyến cáo người dân không vi phạm hành lang tuyến gây sự cố lưới điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả với các biện pháp như: Tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng, chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức phù hợp và sử dụng kết hợp với quạt, không sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn đặc biệt trong các giờ cao điểm chiều tối (17h30-20h00). Sử dụng điện hiệu quả sẽ tiết kiệm được chi phí cho chính gia đình vừa giảm được chi phí sản xuất điện cho ngành Điện đồng thời sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!