Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân
|
PV: Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì đâu?
Ông Nguyễn Quân: Chính phủ đã thành lập 2 Ban chỉ đạo Chương trình Điện hạt nhân, gồm: Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phụ trách, Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách. Điều đó cho thấy, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do, chính sách dành cho người đi học và người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và nhà máy điện hạt nhân nói riêng chưa thu hút được giới trẻ vì chưa thực sự hấp dẫn.
Việc lựa chọn những người đi học trong lĩnh vực này cũng chặt chẽ hơn so với các lĩnh vực khác. Những người được tuyển chọn phải là người tự nguyện, có trình độ học vấn tương đối cao trong số các cán bộ khoa học của Việt Nam. Đồng thời, cũng cần phải lựa chọn sinh viên các trường đại học với điểm đầu vào chuyên ngành điện hạt nhân ở mức cao để đảm bảo chất lượng trình độ của đầu ra sau này.
PV: Yêu cầu là vậy, song được biết trên thực tế, điểm đầu vào ngành năng lượng hạt nhân trong 3 năm gần đây lại khá thấp từ 16 – 19 điểm, sinh viên bỏ học nhiều. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quân: Thực trạng đó xuất phát từ chính sách ưu đãi và chế độ đãi ngộ đối với những người đi học và sẽ làm việc trong nhà máy điện hạt nhân chưa được công bố công khai, cụ thể.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã cho phép những người làm việc trong lĩnh vực Điện hạt nhân được hưởng phụ cấp từ 30 – 70% bậc lương. Dự kiến thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu và cán bộ làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ hấp dẫn và đảm bảo cuộc sống cho những người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân. Nếu không có một mức lương thỏa đáng thì bản thân các cán bộ không thể yên tâm làm việc trong môi trường đòi hỏi tính kỷ luật, trình độ cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
PV: Trên thế giới, một số quốc gia sử dụng 100% nguồn nhân lực điện hạt nhân từ nước ngoài. Trong trường hợp không đủ nguồn nhân lực, Việt Nam có nên áp dụng giải pháp này không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quân: Tôi có thể khẳng định, Việt Nam sẽ không làm như vậy. Chúng ta mong muốn nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam phải được điều hành, quản lý và vận hành bằng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật của Việt Nam. Vì thế, chúng ta đã xây dựng một chương trình đào tạo riêng về nguồn nhân lực. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn mở rộng cửa mời các nhà khoa học trên thế giới tham gia vào chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
PV: Từ nay đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2.200 kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để đảm bảo nguồn nhân lực cho việc vận hành nhà máy trong tương lai?
Ông Nguyễn Quân: Theo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử”, Chính phủ đã dành 2.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước, EVN cũng ưu tiên khoảng 1.000 tỷ đồng cho việc đào tạo nhân lực. Hiện nay, chúng ta đã khởi động chương trình đào tạo dài hạn, giao nhiệm vụ cho 5 trường đại học lớn của Việt Nam đào tạo kỹ sư điện hạt nhân ở trong nước, sau đó sẽ gửi đi nước ngoài để học tập nâng cao. Chúng ta cũng có kế hoạch đào tạo các chuyên gia, kỹ thuật, chuyên gia tư vấn giám sát kỹ thuật cho quá trình vận hành nhà máy.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã hợp tác với Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, chúng ta đã gửi 200 người sang Nga, 200 – 300 người sang các quốc gia khác để học tập ngắn hạn và dài hạn về điện hạt nhân.
Trong các các cuộc họp của Ban Chỉ đạo nhà nước Điện hạt nhân, Bộ KH&CN cũng đã đề xuất sớm công bố công khai chế độ đãi ngộ đối với người làm việc trong lĩnh vực Điện hạt nhân. Ví dụ, người đi học ngoài học bổng của Chính phủ và học bổng của các quốc gia đối tác, có thể có 1 chế độ phụ cấp đặc biệt để đảm bảo cuộc sống khi đang theo học ở nước ngoài. Sinh viên theo học ngành Năng lượng nguyên tử ở các trường đại học trong nước cần phải được cấp học bổng và được tạo điều kiện học tập thuận lợi nhất. Hoặc, những người sẽ về làm việc ở vị trí vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, thì mức lương có thể cao hơn mức lương của bộ trưởng nhiều lần, để họ có thể nuôi sống gia đình và yên tâm làm việc.
Tôi cho rằng, với kế hoạch đào tạo này thì từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ có đủ người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân và các cơ quan pháp quy điện hạt nhân.
PV: Xin cảm ơn ông !
Tiến sĩ Đỗ Thị Nguyệt Minh - Trưởng Bộ môn Điện hạt nhân, Khoa Công nghệ Năng lượng (Trường Đại học Điện lực): Cần công bố chế độ ưu đãi trong việc đào tạo cán bộ lĩnh vực Điện hạt nhân.
Năm 2012, trường Đại học Điện lực tuyển sinh được 17 em nguyện vọng 1 chuyên ngành Điện hạt nhân. Các năm trước, điểm chuẩn của chuyên ngành Điện hạt nhân chỉ lấy ở mức thấp (15,5 điểm), chỉ tiêu là 50 sinh viên. Tuy nhiên, trong quá trình học, một số sinh viên lại không theo nổi chương trình đào tạo. Vì vậy năm nay, chủ trương của nhà trường là tuyển được bao nhiêu học bấy nhiêu, dù tuyển được ít nhưng nhà trường cần chọn những em có niềm đam mê với điện hạt nhân và có đầu vào chất lượng tốt.
Theo tôi, nguyên nhân chính khiến các em chưa hứng thú đối với việc học và làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và ngành Điện hạt nhân nói riêng là do chúng ta chưa công bố một cách công khai chế độ đãi ngộ trong lĩnh vực này. Nếu chúng ta công bố cụ thể các chế độ đãi ngộ, việc thu hút thí sinh thi tuyển và theo học ngành Điện hạt nhân tại những đơn vị được giao trách nhiệm đào tạo như trường Đại học Điện lực sẽ thuận lợi hơn.
|