Nhập khẩu điện: Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

16:26, 11/05/2020

Kể từ khi bắt đầu có chủ trương nhập khẩu điện đến nay, trải qua 20 năm, sản lượng điện nhập khẩu từ các nước láng giềng về Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có nên coi việc nhập khẩu điện là một giải pháp cần thiết?
Đường dây 220 kV Xekaman 1- Pleiku 2 truyền tải điện từ Lào về Việt Nam. 

Đặt vấn đề

Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, Việt Nam từ một nước xuất khẩu đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ năm 2015 với mức độ ngày càng cao. Nếu như năm 2015, năng lượng nhập khẩu chỉ chiếm 5% thì đến năm 2017 đã lên đến 18% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp. 

Theo tính toán sơ bộ, để tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ liên tục gia tăng. Dự kiến, yêu cầu nguồn năng lượng sơ cấp sẽ vào khoảng 175-195 triệu TOE năm 2030 và tăng lên đến 320-350 triệu TOE năm 2045. Do các giới hạn về trữ lượng và khả năng khai thác của các nguồn năng lượng nội địa (than - dầu - khí đốt), đến năm 2045, tỷ lệ năng lượng sơ cấp phải nhập khẩu có thể lên đến 52%.

Trước tình hình này, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội”. Nghị quyết cũng đã đưa ra 10 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng giải pháp: “Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài”.

Ngoài việc xây dựng chiến lược nhập khẩu than, khí đốt và các sản phẩm dầu, việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia cũng cần được xem xét như một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho nền kinh tế. Mặc dù chủ trương nhập khẩu điện đã được đặt ra từ Quy hoạch điện V, nhưng sau 20 năm, chiến lược nhập khẩu điện từ các nước láng giềng hiện chưa rõ ràng và đồng bộ, sản lượng và công suất điện nhập khẩu vẫn còn rất khiêm tốn.

Nhập khẩu điện chưa đạt được kỳ vọng

Việt Nam bắt đầu nhập khẩu điện Trung Quốc (TQ) từ năm 2004 thông qua đường dây (ĐD) 110kV Lào Cai - Hà Khẩu, cấp điện cho khu vực Lào Cai với sản lượng khoảng 380 triệu kWh. Trước nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2007-2010, ngành Điện đã xây dựng thêm 2 tuyến đường dây 220kV Lào Cai - Hà Khẩu, Hà Giang - Malutang và 2 ĐD 110kV Móng Cái - Thâm Câu, Hà Giang - Thanh Thủy để tăng cường quy mô nhập khẩu.

Sản lượng điện nhập từ Trung Quốc liên tục tăng và đạt đỉnh 5,6 tỷ kWh năm 2010 (chiếm 5,6% điện sản xuất toàn hệ thống), bù đắp đáng kể cho lượng điện thiếu hụt trong nước. Kể từ khi thủy điện (TĐ) Sơn La đi vào vận hành (2010-2011), Việt Nam mới cơ bản có đủ nguồn điện, sản lượng điện nhập khẩu ngày càng giảm. Từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu điện từ Lào qua ĐD 220kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ (2013) và ĐD 220kV Xekaman 1 - Pleiku 2 (2016). Tổng sản lượng nhập khẩu từ Lào trong giai đoạn 2013-2019 đạt khoảng 6,3 tỷ kWh.

Nếu tính cả sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cùng kỳ, sản lượng điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc đạt khoảng 20 tỷ kWh, chiến 1,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. 

Mặc dù kế hoạch nhập khẩu điện từ các nước láng giềng bắt đầu từ Quy hoạch điện V (năm 2000), Quy hoạch điện VI (năm 2005) với quy mô đến năm 2020 là 5.476MW, nhưng đến thời điểm này, tổng công suất nhập khẩu mới đạt 1.506MW (đạt 27%), trong đó nhiều hạ tầng lưới điện hiện khai thác cầm chừng như ĐD 220kV đấu nối Thủy điện Xekaman 3, các ĐD 220kV nhập khẩu điện về Lào Cai, Hà Giang. Công suất điện nhập khẩu từ Campuchia theo quy hoạch là 804MW (TĐ Hạ Sên San 2 và 3; Hạ Serepok 2) nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng chưa đạt mục tiêu theo quy hoạch. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là tình hình chính trị quốc tế liên tục biến động, ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng xuất nhập khẩu điện qua biên giới. 

Những nghiên cứu tác động đến môi trường sinh thái, nhất là tại các dự án làm thay đổi dòng chính sông Mêkông dẫn tới tạm dừng nhiều dự án thủy điện xuất khẩu của Lào, Campuchia. Các rào cản kỹ thuật vận hành cũng ảnh hưởng đến quy mô nhập khẩu điện. Việc không cho phép hòa đồng bộ giữa hệ thống điện Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Lào đã dẫn tới phải vận hành tách toàn bộ lưới điện nhận nguồn từ Trung Quốc và Lào phát về Việt Nam. Mặt khác, giá điện nhập khẩu cao hơn đáng kể so với giá mua điện trong nước cũng là một rào cản quan trọng, dẫn đến tình trạng Việt Nam chưa mặn mà với nhập khẩu điện.

Tiềm năng nhập khẩu điện: Cơ hội và thách thức

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy, tiềm năng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng về Việt Nam có thể đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Việc tăng nhập khẩu điện càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than trong nước ngày càng khó xây dựng do các vấn đề về môi trường, nguồn nhiên liệu và khả năng huy động vốn đầu tư.

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) - Nhật Bản năm 2017, tiềm năng các dự án thủy điện của Lào đến năm 2030 có thể đạt 23.795MW. Cũng theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Lào sẵn sàng chia sẻ nguồn năng lượng với các nước lân cận như Việt Nam (xuất khẩu 5.000MW trước 2030), Campuchia (1.500MW trước 2025) và Thái Lan (9.000MW trước 2025). Việt Nam cũng đã ký các Biên bản ghi nhớ MOU (năm 2016) và Hiệp định hợp tác với Lào (2019) về xuất nhập khẩu điện. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu từ Lào ít nhất 1.000MW đến năm 2020, 3.000MW đến năm 2025 và 5.000MW đến năm 2030. Đến năm 2020, nhiều nhà đầu tư thủy điện ở Lào và ngay cả Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) đã đặt vấn đề và lập hồ sơ nghiên cứu đấu nối để xuất khẩu điện sang Việt Nam với tổng công suất lên đến khoảng 2.400MW. 

Ngoài tiềm năng từ Lào, Việt Nam còn tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) - nơi có tiềm năng thủy điện rất lớn, có khả năng xuất khẩu điện sang Việt Nam. Theo nghiên cứu của Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc, trên địa bàn tỉnh Vân Nam, tiềm năng thủy điện của lưu vực 3 con sông lớn đạt 105.000MW. Về khả năng tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Việt Nam đang nghiên cứu một số phương án với quy mô nhập khẩu từ 2.000MW đến 3.000MW thông qua các trạm chuyển đổi Back-to-Back. 

Cơ hội nhập khẩu điện dài hạn từ Campuchia là không nhiều, do tiềm năng thủy điện của nước bạn không lớn. 

Như vậy, trong ba nước láng giềng, cơ hội nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc là rất tiềm năng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, nhiều nhà đầu tư thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời ở Lào rất muốn bán điện sang Việt Nam, nhưng gặp rào cản lớn về thủ tục hành chính và quy trình phức tạp... Về nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc còn thiếu những cam kết ở tầm vĩ mô đối với lĩnh vực xuất - nhập khẩu điện. Do vậy, vẫn tiềm ẩn rủi ro nhập khẩu điện dài hạn.

Một số giải pháp tăng cường nhập khẩu điện

Với những phân tích ở trên, có thể nhận thấy trọng tâm trong chiến lược nhập khẩu điện cần hướng đến là Lào và Trung Quốc. Ngoài ra, tương lai xa có thể xem xét xuất nhập khẩu điện từ mạng lưới 500kV liên kết ASEAN.

Thứ nhất, giải pháp mang ý nghĩa căn cơ để tăng cường sản lượng điện nhập khẩu từ nước ngoài là phải khẩn trương xây dựng thị trường điện trong nước theo hướng cạnh tranh bình đẳng, minh bạch có sự điều tiết của nhà nước.

Thứ hai, thực tế diễn ra trong những năm gần đây cho thấy, hạ tầng lưới điện dùng chung cho việc nhập khẩu điện chưa được quan tâm đúng mức. Các công trình đường dây đấu nối được xây dựng dưới dạng “của ai người ấy lo”, gây lãng phí lớn về vốn đầu tư, cũng như đất đai cho hành lang tuyến đường dây. Do vậy, cần có quy hoạch hệ thống hạ tầng truyền tải chuyên dụng dùng chung để nhập khẩu điện và có sự cam kết giữa các chính phủ đối với việc xây dựng hạ tầng chung này.

Thứ ba, việc hình thành mạng lưới điện siêu cao áp liên quốc gia là xu hướng tất yếu trong tương lai để tăng cường an ninh cung cấp điện. Do vậy, các nước trong khu vực cần xem xét xây dựng hệ thống tiêu chuẩn vận hành chung để có thể kết nối và hòa đồng bộ lưới điện, tránh phải vận hành tách lưới đối với công trình xuất nhập khẩu điện như hiện nay.

Rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, trong đó nhập khẩu điện có thể đóng vai trò đáng kể trong cân đối năng lượng quốc gia. Qua các phân tích cho thấy, tiềm năng nhập khẩu điện chủ yếu đến từ Lào và Trung Quốc với quy mô lên đến khoảng 7.000 MW vào năm 2030. Hiện nay, quy trình thủ tục rườm rà cùng với mức giá điện bình quân thấp đang là rào cản rất lớn cho việc nhập khẩu điện.

Cùng với đó, các cam kết ở mức vĩ mô, dài hạn về xuất nhập khẩu điện giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc cũng cần được xác nhận, là tiền đề để xây dựng hạ tầng truyền tải chuyên dụng dùng chung cho nhập khẩu điện dài hạn, giúp tối ưu hóa vốn đầu tư lưới điện và giảm thiểu quỹ đất cho đường dây truyền tải.


Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập

Share

EVNCPC có 5 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024

EVNCPC có 5 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa công bố kết quả giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2024. Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) có 5 công trình gửi tham gia dự thi và cả 5 công trình đều đạt giải, với 2 giải Nhì và 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích.


EVNNPC: Tổ chức hàng ngàn ca trực đảm bảo điện trong dịp Tết Ất tỵ

EVNNPC: Tổ chức hàng ngàn ca trực đảm bảo điện trong dịp Tết Ất tỵ

Nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục và tin cậy phục vụ Nhân dân 27 tỉnh/thành khu vực phía Bắc đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã triển khai kế hoạch chi tiết với các nhiệm vụ trọng tâm.


Cần Thơ: Nỗ lực tiết kiệm trên 72 triệu kWh điện

Cần Thơ: Nỗ lực tiết kiệm trên 72 triệu kWh điện

Cùng với công tác đảm bảo cung cấp điện ổn định cho thành phố, năm 2024, Công ty Ðiện lực TP Cần Thơ đã phối hợp tốt với các sở, ngành thành phố triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tới các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân thành phố. Kết quả, trong năm 2024 toàn thành phố tiết kiệm trên 72,8 triệu kWh điện, góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân thành phố.


Tuổi trẻ PC Phú Yên chung tay 'thắp sáng đường quê' với bóng đèn năng lượng mặt trời

Tuổi trẻ PC Phú Yên chung tay 'thắp sáng đường quê' với bóng đèn năng lượng mặt trời

Lắp đặt tổng số 64 bóng đèn năng lượng mặt trời, chiếu sáng 6,5km đường bê tông nông thôn, tổng kinh phí thực hiện 99,5 triệu đồng - Đó là kết quả triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê từ bóng đèn năng lượng mặt trời” của Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Phú Yên trong năm 2024.


Tuổi trẻ PC Phú Yên chung tay 'thắp sáng đường quê' với bóng đèn năng lượng mặt trời

Tuổi trẻ PC Phú Yên chung tay 'thắp sáng đường quê' với bóng đèn năng lượng mặt trời

Lắp đặt tổng số 64 bóng đèn năng lượng mặt trời, chiếu sáng 6,5km đường bê tông nông thôn, tổng kinh phí thực hiện 99,5 triệu đồng - Đó là kết quả triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê từ bóng đèn năng lượng mặt trời” của Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Phú Yên trong năm 2024.