Ninh Thuận: Vùng đất khát “nở hoa”

Là vùng đất khô hạn với khí hậu “bán sa mạc”, nắng nóng gay gắt quanh năm, Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Thế nhưng, nhiều năm nay, người dân Ninh Thuận đã vươn lên từ chính mảnh đất quê hương mình.

Biến "hoang mạc" thành trang trại

“Gió như Phan, nắng như Rang” là câu nói quen thuộc mỗi khi nhắc đến Ninh Thuận, miền đất khắc nghiệt gắn với cát, nắng gió quanh năm. Thế nhưng, thật bất ngờ khi những bãi cát trắng năm xưa, nay đã được thay bằng những vườn cây trái sum suê trĩu quả. 

Cuối năm 2000, gia đình ông Nguyễn Văn Mọi (chủ trang trại nho Ba Mọi) ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước bắt đầu trồng nho với quy mô nhỏ, diện tích gần 300 m2. Đến nay, trang trại nho của gia đình ông đã được mở rộng lên đến gần 2 ha. Trong những năm qua, nhờ có nguồn điện ổn định, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng nho, ông đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng, mua sắm trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng, mở rộng sản xuất, chế biến rượu vang, siro, nho sấy khô... Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng nhanh từng năm.  

Nhờ có điện lưới quốc gia, nông dân Ninh Thuận đã có vụ nho bội thu 

Ông Ba Mọi tâm sự: “Có điện ổn định, chúng tôi mạnh dạn đầu tư, từ cơ sở nhỏ bé diện tích vài trăm m2 nay đã tăng lên hàng nghìn m2. Phải nói rằng, nhờ có điện, chúng tôi mới phát triển được như ngày hôm nay”. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Dậu chuyển đến TP. Phan Rang - Tháp Chàm sinh sống hơn 30 năm về trước. Lúc đó vùng đất này còn rất heo hút, chưa có điện lưới quốc gia. Giữa bốn bề là đồi cát, ông cùng vợ con đã khai phá khu đất cằn cỗi, quyết tâm  trồng cây ăn trái. Thế nhưng, mọi cố gắng của gia đình ông đều thất bại vì đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là thiếu nguồn nước.

Chỉ đến năm 1992, khi có điện lưới quốc gia, vùng đất này mới có sự đổi thay kỳ diệu. Gia đình ông Dậu cũng như nhiều người khác đã chủ động được tưới tiêu, vườn táo 2 ha giúp ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Giờ đây, ông đã có thể yên tâm làm giàu trên chính vùng đất khô hạn này.

Điện thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển

Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, nuôi tôm giống ở Ninh Thuận. Với 6 vùng nguyên liệu tôm, hiện Công ty đang xuất khẩu tôm đông lạnh sang châu Âu và Nhật Bản với sản lượng bình quân gần 10 tấn/tháng.

Nhờ có nguồn điện lưới 3 pha ổn định, Công ty đã chủ động đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng các kho làm nước đá sạch tại chỗ.  Dây chuyền công nghệ chế biến thủy hải sản được lắp đặt khép kín với máy phân loại tôm, máy đông lạnh, kho lưu trữ nhiệt độ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Ninh Thuận có lợi thế về phát triển du lịch vì có nhiều danh lam thắng cảnh. Hằng năm, lượng du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận tăng đáng kể. Nếu như năm 2006, toàn tỉnh mới đón 313.000 lượt khách, đến năm 2017, đã tăng lên 1,8 triệu lượt khách, doanh thu từ các hoạt động du lịch năm 2006 mới đạt 150 tỷ đồng, đến năm 2017 đã lên tới 870 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với năm 2006. Có được những thành quả này, phần lớn là nhờ nguồn điện an toàn, ổn định, chất lượng. 

Theo ông Phạm Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Ngành Điện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ có điện lưới quốc gia ổn định, các khu công nghiệp, khách sạn, nhà hàng, trang trại, hợp tác xã… phát triển mạnh, từ đó chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên rõ rệt. 

Ông Nguyễn Hữu Tiên - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận: Khi tái lập tỉnh (năm 1992), toàn tỉnh chỉ có 15% số hộ dân được sử dụng điện. Đến nay 100% số xã, phường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có điện lưới quốc gia. 


  • 03/07/2018 09:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14534