Ông Makato Kisanuki – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC): Tiết kiệm điện và đạo đức của mỗi người

Vì sao các giải pháp tiết kiệm điện tại Nhật Bản được áp dụng một cách triệt để và thành công? - Ông Makato Kisanuki – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC) đã chia sẻ kinh nghiệm với PV, đồng thời đánh giá cơ hội nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện tại Việt Nam.

Ông Makato Kisanuki

PV: Điều gì đã giúp Nhật Bản thực hiện thành công các giải pháp tiết kiệm điện, thưa ông?

Ông Makato Kisanuki: Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia phải gánh chịu 2 cuộc khủng hoảng dầu mỏ (năm 1973 và 1979), cùng với nhiều hậu quả lớn về thiên tai như: Động đất, sóng thần, bão lụt…. Đây là những “cú sốc” lớn trong việc cân bằng cung cầu năng lượng, điều này buộc người dân Nhật Bản phải nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, giá điện ở Nhật Bản khá cao, nếu không tiết kiệm điện thì người sử dụng sẽ là người chịu thiệt đầu tiên.

Khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Nhật Bản cũng áp dụng triệt để đối với mọi đối tượng. Ví dụ chương trình “Công sở mát mẻ”, yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân viên kể cả giới chức Chính phủ Nhật Bản không mặc vest, không đeo cà vạt khi làm việc.

PV: Đổi mới công nghệ là giải pháp tiết kiệm năng lượng tối ưu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này cần nguồn vốn lớn. Vậy các doanh nghiệp Nhật Bản đã giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Makato Kisanuki: Đầu tư vốn để đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ thì các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng cơ chế cho phép tính khấu hao thiết bị một cách có lợi nhất cho doanh nghiệp, hoặc cơ chế giảm thuế cho các doanh nghiệp khi đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện tiết kiệm năng lượng…

Những chính sách hỗ trợ này được thực hiện bằng ngân sách nhà nước thông qua các cơ quan quản lý. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tiết kiệm năng lượng họ đã thực hiện các giải pháp nằm trong khả năng tài chính của mình. Điều quan trọng là họ hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng, xác định rất rõ mục tiêu đầu tư cái gì và đem lại hiệu quả như thế nào...

PV: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm?

Ông Makato Kisanuki: Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, song song với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng năng lượng đã ngày càng tăng cao, trong khi người dân chưa quan tâm nhiều đến vấn đề tiết kiệm. Mặc dù đã có những tín hiệu cảnh báo mất cân bằng cung cầu năng lượng, nhưng chưa bị những cú sốc để bỗng chốc mất đi một nguồn cung lớn giống như Nhật Bản.

Để giải quyết vấn đề này, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh công tác truyền thông, phải làm cho cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, tuyên truyền cho cộng đồng hiểu được lợi ích của việc tiết kiệm điện, thể hiện qua những con số cụ thể được đo đếm trong dài hạn. Tuy nhiên, để có thể kêu gọi cộng đồng, thì chính chúng ta - những người làm trong ngành Điện cần phải đi đầu trong việc nâng cao nhận thức và hiểu rõ về vấn đề tiết kiệm năng lượng. Khi đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác này, chúng ta mới có thể tuyên truyền, vận động hướng dẫn cộng đồng, doanh nghiệp cùng chung tay tham gia thực hiện. Song, quan trọng hơn cả là phải coi tiết kiệm điện là quốc sách, là vấn đề đạo đức đối với mọi người dân trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 01/12/2012 02:01
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 3173


Gửi nhận xét