Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Điều chỉnh giá điện ở mức 4,5% đã tính đến tác động đối với sản xuất, đời sống

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khi trao đổi với phóng viên về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 4,5% vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố vào 9/11.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức điều chỉnh giá điện 4,5% vừa được công bố?

 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Chúng ta biết rằng, năm 2023, sản xuất của ngành Điện gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả những biến động về nguồn điện, nguyên liệu đầu vào… làm cho giá thành của ngành Điện tăng rất cao. Nếu tính đúng, tính đủ, giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành khoảng 178 đồng/kWh, tức cao hơn 9,27%. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ngày 09/11, tăng  thêm 4,5% là mức có kiềm chế, có tính toán đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, lường trước đến những tác động đối với sản xuất, đời sống, để không tác động quá bất lợi đến việc chúng ta tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Có thể nói, cả 2 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023 đều chưa thực hiện được nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất cho ngành Điện.

PV: Theo ông, quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào thời điểm này có phù hợp?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thứ nhất, về quy định của pháp luật, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện/lần nếu các yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh điện tăng. Thực tế, 6 tháng qua, giá thành điện đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Thứ hai, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay Quốc hội đề ra là tăng 4,5%; trong đó, bình quân 10 tháng qua, lạm phát ở mức 3,2%. Như vậy, còn dư địa để điều chỉnh giá điện mà lạm phát vẫn được kiểm soát.

Tôi cho rằng, với những tính toán, cân nhắc, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào thời điểm này là chấp nhận được.

PV: Theo ông, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động như thế nào đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Giá điện dù điều chỉnh ở mức nào, cũng sẽ có những tác động nhất định đến sản xuất, đời sống. Với mức điều chỉnh 4,5%, giá điện sẽ tác động đến lạm phát 2 vòng: Vòng 1 - trực tiếp và vòng 2 - tác động đến các ngành nghề khoảng 0,29%.

Với các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện năng như thép và xi măng, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động như sau: Làm tăng giá thành sản xuất thép khoảng 0,27%; xi măng khoảng 0,67%; dệt may khoảng 0,58%...

Với người tiêu dùng, theo tính toán của Bộ Công Thương, tùy từng bậc thang, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm chi phí tiền điện từ 3.900-55.000 đồng; còn tôi tính bình quân, mỗi hộ sử dụng điện trên 200kWh, sẽ phải trả thêm khoảng 18.600 đồng…

PV: Ông có khuyến nghị gì đến người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm thiểu tối đa tác động của việc điều chỉnh giá điện?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dư địa để tiết kiệm điện vẫn còn nhiều.

Để sử dụng điện hợp lý, đối với sản xuất, cần phải tính toán, chuyển đổi ca sản xuất vào những khung giờ thấp điểm, khung giờ có giá điện rẻ nhất; chuyển đổi dây chuyền sản xuất tiêu thụ ít năng lượng...

Với các cơ quan nhà nước, thực tế việc sử dụng điện còn lãng phí. Do đó, tôi cho rằng, cần có một khảo sát, và nên khoán chi phí sử dụng điện trong các khoản chi tiêu thường xuyên cho các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải áp dụng các biện pháp kinh tế, có thưởng/phạt để nâng cao ý thức sử dụng điện hợp lý, bởi giải pháp giáo dục, tuyên truyền… đã thực hiện lâu nay nhưng hiệu quả không cao.

Đối với người dân, với biểu giá điện bậc thang đang áp dụng, càng sử dụng nhiều giá càng cao, đây là biện pháp kinh tế để các hộ gia đình tính toán, làm sao sử dụng điện tiết kiệm, ở bậc thang thấp thấp để tiết kiệm chi phí của gia đình.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên có những hình thức tuyên dương, khen thưởng bằng lợi ích vật chất hoặc hình thức khác đối với những đơn vị, cá nhân có những sáng kiến mang lại hệu quả cao trong tiết kiệm điện, để nhân rộng toàn xã hội; cần chung tay thực hiện phong trào tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh mà nhu cầu tiêu dùng điện sẽ tăng rất cao trong những năm tới, nhằm phục vụ sản xuất và đời sống.

PV: Trân trọng cảm ơn ông


  • 14/11/2023 02:44
  • B. Hoa (thực hiện)
  • 4309