Từ năm 2019 đến nay, PC Bình Thuận đã cải tạo toàn bộ 12/12 TBA 110kV thành TBA không người trực. Các trạm biến áp này được theo dõi, giám sát điều khiển từ xa với hệ thống camera, kết nối phòng cháy chữa cháy và kiểm soát ra vào. PC Bình Thuận cũng đã đầu tư các thiết bị đóng cắt 22kV kết nối vào hệ thống tự động giám sát, điều khiển xa và thu thập dữ liệu (hệ thống SCADA). Hệ thống SCADA đã góp phần đảm bảo tính ổn định, liên tục cấp điện, đảm bảo tính tối ưu về kết cấu lưới điện, linh hoạt trong vận hành.
Trung tâm Điều khiển xa Công ty Điện lực Bình Thuận - Ảnh: Trần Đức Tuân.
|
Cũng theo PC Bình Thuận, với đường dây trải dài, hệ thống nhiều TBA, việc xây dựng và đưa Trung tâm điều khiển xa Bình Thuận vào vận hành là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Việc đưa Trung tâm điều khiển xa vào hoạt động đã mang lại những lợi ích thiết thực như: rút ngắn thời gian mất điện nhờ thao tác từ xa, nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng sự cố và cấp điện trở lại cho khu vực bị ảnh hưởng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng…
PC Bình Thuận cũng đã ứng dụng phần mềm PMIS vào quản lý kỹ thuật lưới điện 110kV và 22kV thay cho lưu trữ trên giấy tờ như trước đây. Các thông số kỹ thuật của lưới điện thường xuyên được cập nhật kịp thời vào phần mềm, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác theo dõi, quản lý kỹ thuật lưới điện.
Công ty cũng đã ứng dụng chương trình Appmeter để theo dõi tình hình vận hành lưới điện 110kV và 22kV hàng ngày, hàng tháng; theo dõi tình hình vận hành đầy tải, quá tải đường dây 110kV và 22kV thay cho công tác đo thủ công như trước đây.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện đã giảm bớt nhân lực quản lý vận hành lưới điện, nâng cao năng suất lao động và độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Không chỉ chuyển đổi số trong công tác QLVH lưới điện trên đất liền, thời gian qua PC Bình Thuận cũng đã chú trọng công tác chuyển đổi số trong công tác QLVH lưới điện tại huyện đảo Phú Quý. Năm 2019, hệ thống SCADA Phú Quý được đưa vào vận hành, giúp kết nối giám sát và điều khiển xa tất cả các thiết bị trong nhà máy diesel, nhà máy điện gió và các thiết bị trên lưới điện trên đảo Phú Quý. Với hệ thống SCADA trên đảo, cán bộ công nhân viên Điện lực Phú Quý không còn phải mất nhiều thời gian di chuyển để thu thập dữ liệu, giám sát, thao tác và xử lý sự cố; số liệu quản lý vận hành được bảo đảm chính xác, kịp thời.
Cùng với đó, năm 2019, công ty cũng đã ứng dụng chuyển đổi số để cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống điều khiển nguồn hỗn hợp diesel-gió, Distributed Control System (DCS) được vận hành tự động, tự động huy động công suất nguồn diesel và nguồn điện gió theo tỉ lệ cài đặt ưu tiên nâng cao tỉ lệ công suất nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm huy động công suất nguồn diesel, giảm chi phí chạy dầu và đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện trên huyện đảo này.
Phần mềm giám sát bồn dầu nhà máy diesel Phú Quý - Ảnh chụp màn hình.
|
Theo Công ty Điện lực Bình Thuận, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số công ty cũng gặp một số khó khăn do yêu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và các phần mềm quản lý, truy xuất và ứng dụng, đòi hỏi cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng hàng năm còn hạn chế, chủ yếu ưu tiên đầu tư lưới điện để đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải. Thời gian tới, PC Bình Thuận sẽ tiếp tục thu xếp nguồn vốn để đầu tư lưới điện đáp ứng chuyển đổi số phục vụ công tác QLVH lưới điện. Nhằm điều chỉnh điện áp và tần số của hệ thống thống điện trên huyện đảo Phú Quý được ổn định công ty đã có những hướng nghiên cứu đưa pin tích năng vào để tích trữ năng lượng điện gió vào thời điểm thừa công suất và phát công suất ngược lại lên hệ thống trong thời điểm thiếu công suất.
Công ty Điện lực Bình Thuận sẽ đẩy mạnh công tác ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành lưới điện, điều hành sản xuất kinh doanh như ứng dụng thị giác máy tính (computer vision) để thực hiện các bài toán phát hiện, nhận diện đối tượng, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác dự báo phụ tải. Cùng với đó là ứng dụng các hệ thống ảnh viễn thám vào công tác quản lý kỹ thuật, quản lý công trình điện; tiếp tục cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; hoàn thiện và mở rộng hạ tầng SCADA, phát triển tự động hoá lưới điện theo lộ trình của Tổng công ty Điện lực miền Nam; tăng cường đào tạo, bồi huấn nâng cao năng lực quản lý vận hành cho các lực lượng vận hành lưới điện 110kV, 22kV tại các đơn vị trực thuộc.